Banana Yoshimoto: Cõi mơ có khả năng chữa lành

Nàng thích đặt những cái tên kỳ quặc cho các nhân vật của mình, không phải tất cả, nhưng rất nhiều nhân vật, nào là Thằn Lằn, nào là Mesmer, Mì Sợi, thậm chí là… Saseko, nghĩa là nhà xí công cộng. Còn về phần mình, nàng tự đặt bút danh là Chuối – Banana, chỉ với lí do nàng thích… hoa chuối, và bởi Chuối là một cái tên vượt ra khỏi lằn ranh giới tính.

Dầu đã bán được ít nhất 6 triệu bản sách, Banana Yoshimoto ngoài đời ra sao vẫn là một ẩn số khó nắm bắt. Banana không tiếp xúc nhiều với giới truyền thông. Nàng có tài khoản twitter, có blog, nhưng thường thì chỉ chia sẻ về những thú vui như ăn uống hay các chuyến đi đến Hawaii, Okinawa, Lanzarote. Cũng có lần “chơi ngông”, nàng tuyên bố rằng nàng mơ… đoạt giải Nobel Văn Học.

Nếu không kể Kazuo Ishiguro (mang quốc tịch Anh) thì lần gần nhất nước Nhật có một văn sĩ đoạt giải Nobel văn học là đã 25 năm trước. Công chúng Nhật đặt nhiều hy vọng cho thế hệ văn học đương đại gồm ba cột trụ, chính là Banana và hai ông Murakami (Ryu và Haruki), trong số đó thì người “sáng giá” hơn cả là Haruki. Nhưng nếu như Haruki vì nhiều áp lực mà chối đây đẩy về giấc mơ Nobel và bảo ông chẳng nghĩ tới nó, thì Banana không ngần ngại bày tỏ đam mê giành giải của mình. Ở khía cạnh này thì Haruki là phái yếu, còn Banana là phái mạnh.

Banana khác với các nhà văn Nhật khác ở chỗ, ngôn ngữ của nàng không quá giản dị cũng không quá cầu kỳ, không quá cường điệu cũng không quá giản lược, không quá thông tục cũng không quá hoa mỹ. Đó là lời nhận xét của Michael Emmerich, dịch giả đã dịch nhiều tác phẩm tiếng Nhật của Banana Yoshimoto và các bậc tiền bối vĩ đại như Shikibu Murasaki và Yasunari Kawabata sang tiếng Anh.

Ở Banana có một thế cân bằng, không chỉ là sự cân bằng trong câu chữ, mà còn là sự cân bằng trong cả nội dung tác phẩm. Rất đau đớn đấy, nhưng vẫn rất sáng tươi. Rõ ràng là phủ đầy bi kịch, nhưng cuối cùng đâu lại vào đó.

Rà một lượt, những cuốn sách của Banana đều bày ra những hoạt cảnh hết sức lỡ cỡ, cay đắng, oái oăm. Trong Kitchen, một cô gái mồ côi cha mẹ rồi lại lần lượt mất ông, mất bà và cuối cùng chỉ còn lại mình cô, ngủ trong gian bếp bên cạnh chiếc tủ lạnh khổng lồ, rồi một cậu trai có hai người mẹ, một người mẹ thật đã bỏ đi, người mẹ thứ hai – chính là người cha chuyển giới của cậu – cũng bỏ đi nốt. Trong N.P, một người phụ nữ yêu cha mình, mang thai với anh mình, rồi lại định giết “người tình” đồng giới. Ngay cả trong một truyện ngắn nhỏ như “Bóng tối phận người”, vẫn toàn là bi kịch: (lại) một phụ nữ theo chân cha tới Buenos Aires chỉ để thấy mình hoang mang, rồi bước chân vào nghĩa trang, cô nhớ về người mẹ đã khuất với nỗi sợ hãi về những chiếc hộp kín và về người bà đã dùng cái gọt bút chì để tự tận.

Song, những khốn khổ đó, Banana phủ lên chúng một tấm màn yên tĩnh, trong veo của khói trà, của biển khơi đầy nắng với hàng đàn hải sâm, của vị đá bào mát lạnh, của những đêm sáng trăng hay của những mối tình còn chưa thành hình thành dạng, để rồi những nhức nhối tan ra trong vô hạn chỉ còn hơi hơi nhoi nhói.

Banana không phải kiểu văn sĩ sẽ mô tả một phức cảm bằng ngôn từ sắc bén nhất như các tiểu thuyết gia tâm lí kinh điển, nàng mơ hồ kể tả những cõi hư vô trong cảm thức. Ví như khi nói về tâm trạng của người đàn bà bị phản bội, Banana sẽ đặt nhân vật vào một khu phố nhộn nhịp lúc chiều tà, và cô ta sẽ mường tượng có thể mua một bó hoa về nhà, cùng người đàn ông của mình ngắm nghía, rồi cùng nhàn nhã xem tivi, nghĩ đến đó thì cô ta bật khóc. Chỉ thế thôi, và tiếp đó sẽ luôn là sự thứ tha, và mỗi nhân vật đến chặng cuối của hành trình, họ đều vẫn thấy “cuộc sống thật tuyệt, tình yêu thật tuyệt”.

Chính ra, niềm đau lớn nhất, nuối tiếc lớn nhất trong những câu chuyện của Banana không nằm ở việc cuộc sống vần vò ta ra sao, mà nằm ở chỗ “dù cho có chuyện gì xảy ra, cuộc sống vẫn không có gì thay đổi và chỉ trôi đi mãi, không ngừng.” (trích câu cuối tác phẩm Amrita). Và vì cuộc sống trôi đi mãi không ngừng nên những nhân vật của Banana, họ thính nhạy với hồi ức: một cây hoa anh đào, một gương mặt, một chiếc pizza, cái gì cũng nhắc nhở họ về phần đời đã trôi tuột vào quá khứ.

Quay lại về sự cân bằng trong các tác phẩm của Banana, đến kết cấu nhân vật và không gian sáng tác của nàng cũng đạt tới sự cân bằng kì lạ. 

Với kết câu nhân vật, thường thì sẽ có một nữ chính giản đơn, lỗ chỗ như một mớ bọt biển thẩm thấu những con người kì dị, và kiểu gì cũng sẽ có một (hoặc nhiều) nữ nhân vật phụ kỳ ảo, hoang đường, mị hoặc. Và những nhân vật đó, họ bị hút về phía nhau, như một sự bổ khuyết, như để hoàn chỉnh khái niệm về tính nữ, vừa gần ngay trước mắt, vừa xa vời thăm thẳm.

Còn không gian sáng tác, nó là sự đan xen của sự hối hả đô thành và những đại dương nơi miền nhiệt đới Thậm chí ngay cả khi đặt trong nội đô, Banana sẽ lách vào vùng trống giữa những chung cư, những ngôi nhà, những văn phòng để viết nên một cõi mơ, nơi có những người biết thôi miên, những người đi vào giấc mộng của nhau, nơi có những bóng ma vô hại hay những chiếc UFO bí ẩn cũng vô hại bỗng bừng sáng trên bầu trời.

Trong một cuộc phỏng vấn, Banana nói: “Tôi không nghĩ có thể ngăn người ta tự sát, nhưng hy vọng nếu họ đọc tác phẩm của tôi, họ sẽ hoãn lại việc tự sát trong 10 phút hoặc một đêm. Có thể sự hoãn lại ấy […] là cơ hội để tiếp tục sống.” Nàng có thể nói quá về việc giành giải Nobel, nhưng về việc này thì nghiêm túc, bởi nghiêm túc mà nói, những cõi mơ có khả năng chữa lành.

[Bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ]

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *