Nhà thờ Đức Bà: Một cuộc bể dâu, những điều đau đớn

Tôi vẫn nhớ mấy năm trước, khi Paris vang tiếng súng, tháp Eiffel tắt đèn, và ở khắp nơi, người ta thắp sáng ba màu xanh – trắng – đỏ, sáng thay cho Paris. Một ngày sau vụ khủng bố, một nhạc công tới gần nhà hát Bataclan, tâm điểm thảm kịch, dạo khúc Imagine của John Lennon. Cùng khoảng thời gian đó, thành phố Beirut cũng trở thành mục tiêu của những tay súng cực đoan, nhưng nỗi đau của Beirut, không như nỗi đau của Paris, câm lặng không lời. Một bức thư gửi từ Beirut trách cứ: Tại sao?

Tại sao Paris được ưu ái, tại sao mỗi ngày thế giới có hàng trăm hàng ngàn người chết vì nạn giặc giã binh đao, nhưng tất cả chỉ được tối giản trong một con số vô hồn: 50 người thiệt mạng trong một vụ nổ súng, 100 người chết vì cuộc nổi loạn của phiến quân; nhưng Paris, riêng Paris lại được cầu nguyện, được thay cờ, được tưởng niệm bằng âm nhạc, bằng những vành hoa tang.

Hôm nay, những lời chế nhạo ấy lại được dịp ném ra. Nhà thờ Đức Bà Paris – Notre Dame cháy lớn. Hình ảnh ngọn lửa đỏ bùng lên sáng rực buổi hoàng hôn nước Pháp. Ánh lửa bập bùng phản chiếu mặt gương Seine. Bụi than bay mịt mù, mái nhà thờ đổ sập. Cảnh nhà thờ bị lũ hành khất tấn công trong những trang cuối cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo cũng không thể tàn hoại hơn thế. Có người nức nở thốt lên: “Paris đã bị chém đầu!”, như lặp lại tình cảnh nước Pháp ngày nào có cả những điều lãng mạn và cả chiếc máy chém kéo lê trên hè phố. Và, trước vẻ điêu linh của Notre Dame, không chỉ người Pháp bàng hoàng rơi nước mắt. Nhưng cũng có những người cười cợt những người rơi nước mắt.

Tiếc thương một cái nhà thờ vô tri vô giác có đáng bị gọi là đạo đức giả hay không, khi mà thế giới còn nhiều tình cảnh bẽ bàng tủi hổ hơn nhiều lần lắm? Bởi mặc dù vẫn biết Nhà thờ Đức Bà thì cũng chỉ là một cái nhà thờ, và Paris cũng chỉ là một thành phố như muôn vạn thành phố trên cõi đời này, nhưng tưởng như, ai cũng từng có một hồi ức nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, về Paris, về Notre Dame, nếu không thì là một giấc mơ, một giai thoại, một lời ước hẹn: “Em vẫn còn thấy ngày hôm qua, em vẫn còn thấy tất cả, trong hàng người ken chặt, quanh Nhà thờ Đức Bà, mùa hè đó của đôi ta…” – lời bài hát của ABBA.

Đáng sợ làm sao, sức hủy hoại của ngọn lửa, cả một đại công trình nguy nga gần ngàn năm tuổi, trong chớp mắt cũng bị ngọn lửa nuốt lấy một phần. Nhưng đáng sợ hơn thế là sự thờ ơ của những con người nhìn thánh đường tráng lệ tan thành mây khói mà mắt còn ráo hoảnh. Ngay đến cả thằng gù Quasimodo, ngay đến cái kẻ thân phận “người ngựa, ngựa người”, tâm hồn tật nguyền như nó còn biết yêu tiếng chuông nhà thờ, yêu những điều tử tế và chân thiện.

Sự thờ ơ đáng sợ, bởi có khi chính sự thờ ơ, chứ không gì khác, đã khiến chúng ta không thể bảo vệ Notre Dame.

“Thờ ơ” là một từ nặng, nhưng biểu hiện của nó có khi chỉ đơn giản là sự bất cẩn. Ít ra là cho đến khi bài viết này được viết ra, chúng ta không biết nguyên nhân chính xác của vụ hỏa hoạn là gì, dù có ý kiến cho rằng nó liên quan tới việc tu bổ nhà thờ. Đúng hay sai, điều đó không quan trọng. Dù là lí do gì đi chăng nữa, nó hẳn đã xuất phát từ một sự vô ý của một ai đó, một mắt xích nào đó không được kiểm soát thấu đáo, một sự thiếu cẩn trọng, một nhầm lẫn không đáng có, một tai nạn hi hữu, một chút sơ sót, một chút tắc trách, một chút thiếu chu toàn. Nhưng cũng chỉ cần thế thôi, là đủ để những thánh tích trở thành phế tích.

Bob Dylan viết: “Một người có thể quay đầu bao nhiêu lần và giả đò như không nhìn thấy?” Con người chúng ta sẽ còn quay đi bao nhiêu lần trước những hư hao của quá khứ và lịch sử, và coi như không phải chuyện của mình?

Notre Dame đâu phải di sản đầu tiên chúng ta không thể giữ gìn toàn vẹn. Trước Notre Dame của Paris, đã có hàng ngàn những “Notre Dame” khác. Những người Goth đã phá hủy đền thờ Artemis. Những kẻ xưng tụng mình là chiến binh thánh chiến đã xô đổ những bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan. Nội chiến Syria đã làm tan hoang những pháo đài, thành cổ có từ thời thần thoại. Bức tượng Pietà bị tấn công bằng búa bởi những quan điểm dị thời. Tranh của Rembrant trở thành bia đỡ cho những hận thù của một cá nhân. Chuyện xứ người là thế, chuyện xứ ta cũng thật buồn. Chiến tranh liên miên, thù trong giặc ngoài, chùa chiền đền đài thành quách không còn giữ được bao nhiêu, đến ngay cả những công trình niên đại gần đây như cố đô Huế còn chịu bao nhiêu tì vết, đã vậy đến khi tu bổ lại còn rơi vào những bàn tay thiếu lương tâm. Mà có những khu phố cũ vốn dĩ đang yên đang lành, bỗng dưng lại được liệt vào danh sách quy hoạch thành trung tâm thương mại, như Đà Lạt thuở nào còn là thành phố mộng mơ, giờ giấc mơ không biết giấu đâu trong những bê tông cốt thép.

Bạn có thể bảo rằng sự hỏng hóc của Notre Dame và sự sụp đổ, hư hại của những công trình kia không giống nhau. Một bên chỉ là tai nạn vô ý, còn một bên là những thảm họa cố tình. Một bên bắt nguồn từ sự thiếu chu đáo, cẩn trọng, một bên là sự vô cảm, thậm chí có trường hợp là táng tận lương tâm. Nhưng dù hai bên khác nhau thế nào đi nữa, dù không thể đánh đồng lỗi sơ suất với những ngụy biện của chiến tranh, của những thế lực chính trị thù địch, của những mâu thuẫn tôn giáo không hồi kết hay nói cách khác là những nguyên nhân phi nghĩa, song cả hai gặp nhau ở điểm, đều là nhân tai, không phải thiên tai. Cả hai đều bắt đầu từ một chút thờ ơ, thờ ơ nhỏ thì mới chỉ là một vụ hỏa hoạn có thể dập tắt được, thờ ơ lớn thì gây ra sự suy sụp hoàn toàn của những điện đài biểu tượng.

Và không chỉ những điện đài biểu tượng đâu. Chúng ta thờ ơ với cả trái đất mà chúng ta đang sống. Rừng thiêng biến thành đồi trọc, biển xanh hóa thành cống thoát, lỗi là do ai? Có phải là do sự thờ ơ của chúng ta trước nỗi đau của lịch sử, của cái đẹp, của tự nhiên? Chúng ta lại còn đang sống trong một thời đại đổ lỗi. Chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho những tập đoàn cắt xẻ rách nát Phan Thiết, Sa Pa, Tam Đảo, nhưng bản thân mình, chúng ta đã từng bao giờ nghĩ, đáng lẽ ra mình có thể làm một điều gì đấy, dù nhỏ thôi, để thay đổi, nhưng mình đã lại không làm? Đáng lẽ ra chúng ta có thể dùng bớt một chiếc túi nylon, mua ít một bộ đồ hàng hiệu giá rẻ gây ô nhiễm môi trường, hay nói không với những thực phẩm ăn nhanh. Nhưng chúng ta đủ thờ ơ để thỏa hiệp và tặc lưỡi vì cái tiện lợi trước mắt mà già mù trước chuỗi hậu quả không thể đong đếm được.

Quyển 3, tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris, Victor Hugo viết: “Chắc chắn đến nay nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn là một tòa nhà hùng vĩ và thiêng liêng. Nhưng mặc dù nó cổ xưa mà vẫn giữ được vẻ đẹp, ta khó lòng nén tiếng thở dài, không thể không bực mình trước vô số điêu tàn, phá phách mà thời gian và con người lần lượt ắt tòa nhà cổ kính phải chịu đựng. Tempus edar homo edacior.” Câu Latin ấy có nghĩa chính xác là: Thời gian gặm mòn, con người còn gặm mòn nhiều hơn. Còn Hugo thì dịch: “Thời gian thì mù lòa, con người lại ngu ngốc.” Không thể bảo vệ Notre Dame, đó không phải thất bại của tạo hóa mà là thất bại của nền văn minh nhân loại.

Nhưng một mặt khác, đoạn văn của Hugo cũng nói lên rằng, bản thân Notre Dame đã không bao giờ là một Notre Dame nguyên vẹn và nguyên bản. Nó đã từng bị những kẻ nhân danh nghệ thuật chân chính làm cho biến dạng. Nó lại đã đi qua quá nhiều cuộc chiến, đã chứng kiến biết bao những ông hoàng đăng cơ rồi bị chém chết hoặc lưu đày, cũng đã chứng kiến Paris thất thủ, nó làm sao có thể không mảy may xây xát? Vậy mà bất chấp tất cả, nó vẫn hiên ngang tồn tại. Và đến nay, người ta vẫn còn lưu truyền câu chuyện từ thời phát xít Hitler về một một vị tướng Đức đã liều mình trái lệnh biến Paris “thành một đống đổ nát” của thủ lĩnh, để cứu lấy những di sản lịch sử của kinh thành ánh sáng, trong đó có nhà thờ Notre Dame. Vị tướng ấy cứu được Notre Dame bởi sự dũng cảm đã đành, nhưng còn bởi ông đã không thờ ơ trước đại giáo đường vĩ đại.

Dù không hoàn chỉnh, nhưng Notre Dame vẫn còn có cơ hội xây lại. Dù cũng đã muộn, nhưng chúng ta vẫn còn có cơ hội làm lại.

[Bài viết đã đăng trên An Ninh Thế Giới Giữa và Cuối Tháng]

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *