Mười lăm năm sau, ở tuổi chín mươi lăm, khi ngay cả những vết đồi mồi cũng đã lão hoá, còn cơ thể ngày càng teo rút lại đến mức không còn chỗ để nhồi nhét ký ức, thì vẫn còn một ký ức bám trụ đến cùng trong bà, nó nấp trong những giấc mơ để không bàn tay lục lọi nào của thời gian có thể gỡ được nó ra và đôi khi bà nghĩ chính trọng lượng của ký ức ấy đã khiến linh hồn bà vẫn chưa đủ nhẹ bỗng để tan biến thành tro.
Ký ức ấy liên tục thay hình đổi dạng, khi thì nó diễn ra vào một tối không trăng trên bờ biển, khi thì diễn ra trong một khu rừng sáng trăng, có khi nó diễn ra ngay trên tầng thượng viện dưỡng lão, có khi trong ký ức bà quàng cái khăn len sọc xanh trắng và cũng có khi bà nhận ra cái khăn ấy đã bị bà bỏ quên trên tàu hoả từ lâu trước đó rồi, làm sao bà quàng nó vào lúc ấy được. Nhưng tất cả những nhỏ nhặt ấy không quan trọng, bà sẽ nhận ra chúng chỉ là hoá thân của một ký ức duy nhất ngay thời khắc bà ngước lên, ôi, cái cổ và cái lưng của bà, chúng như ròng rọc bị gỉ đến kẹt cứng, để chúng chuyển động được cần đến một quyết tâm và ham muốn khủng khiếp, phải khủng khiếp ngang bằng động lực để một ông thần đáng ra có thể nằm gác chân ngủ ngon đến vĩnh cửu nhưng sau rốt lại mua dây buộc mình bằng cách tạo ra thế giới. Thứ duy nhất ấy là đây, đang lơ lưng trên không trung, những vật thể tròn căng như một cái bánh rán, đương nhiên chúng không phải bánh rán, dù là bánh rán khổng lồ đi chăng nữa. Bà nhớ ông bảo chúng là đĩa-bay.
“Đĩa-bay, sao lại là đĩa bay nhỉ?”
“Thì một cái đĩa biết bay, gọi là đĩa-bay”, ông nói.
“Tại sao không gọi là bánh bông lan bay, hay bánh rán bay? Tôi thấy giống bánh bông lan và bánh rán hơn”, bà ngắm nghía những tấm ảnh đen trắng mà ông lôi ra từ trong một tập sách tiếng Nga mà ông bảo đó là một tập thơ của Mayakovsky. Mayakovsky thì bà biết. “Trời phú cho tôi nhiều khả năng yêu / Ai cũng phải tập lam làm từ bé / Nhưng tôi, tôi chuồn đi chơi bên bờ sông Rion / tôi lê la / mọi chuyện, cóc cần”.
“Chỉ là tên thôi. Đĩa-bay. UFO. Vật thể bay không xác định. Bà gọi nó là bánh rán bay cũng được.” Và từ đó, để chiều lòng bà, ông cũng gọi chúng là bánh rán bay, dẫu thi thoảng do thói quen, ông vẫn dùng từ đĩa-bay.
Ông hay nói với bà những chuyện kỳ quặc. Những con quái vật cổ dài. Những vòng tròn bí ẩn ở một vùng đất nào đó mà bà không thể đánh vần được tên. Nền văn minh lụi tàn trên sao Hoả. Nhưng không có chủ đề nào mà ông say mê như đĩa-bay. “Những chuyện kia thật hay bịa thì tôi không biết, nhưng riêng những cái bánh rán bay thì tôi đã tận mắt chứng kiến. Không thể nào mà lầm lẫn. Chúng sáng trưng như mắt một đàn mèo hoang ấy”. Khi nói điều này, mắt ông cũng sáng như mắt một con mèo.
Con gái của ông thường dặn bà đừng tin ba cái thứ lẩm cẩm mà bố cô hay kể, “bố cháu đã già rồi và khi già người ta chẳng còn nhớ đâu là chuyện đọc được trong sách còn đâu là chuyện thật của mình nữa, không biết về già cháu có vậy không”, cô nói trong khi mời bà ăn những cái bánh quy nhân mứt dứa mà cô tự tay làm, song bà thấy có tin cũng chẳng hề hấn gì, trong khi những ông già khác bận xem bóng đá, than vãn về cái khớp sưng hay tập làm thơ con cóc và gặp ai cũng khoe thì ông đắm đuối với những cái bánh rán bay. Một sở thích như mọi sở thích trên đời. Một sở thích lành mạnh. Nhất là với cái tuổi mà thời gian thì có quá nhiều nhưng đồng thời cũng còn quá ít, giống cái gì nhỉ? Có lẽ là một đĩa thịt trong các nhà hàng thời nay, thoạt trông thì đầy ú ụ, nhưng sự thực chỉ có một lớp thịt mỏng dính và bên dưới độn đầy rau. Bà thích những so sánh.
Bà đã ở viện dưỡng lão được ba năm trước khi ông vào. Ông mang theo một vali sách và khi điều dưỡng viên đẩy xe lăn đưa ông vào giới thiệu cùng mọi người vào ngày đầu tiên, ông đội một chiếc mũ phớt rộng vành, mặc áo khoác dài như tài tử Alain Delon hồi đóng Le Samourai, chỉ cần thêm một điếu thuốc trên môi và bớt đi cuốn sách ôm lăm lăm trên tay thì y hệt. Khoảnh khắc đó, dẫu cho những mô mỡ đã thụt xuống như đất trũng, những sợi đàn hồi trên da đã mủn ra như giấy thấm nước còn những đốm đồi mồi khiến bà thấy mình đang dần biến thành một con hươu cao cổ, bà vẫn vô thức hất nhẹ mái tóc ngắn của mình, thở phào rằng hôm qua bà đã sống chết bắt cô điều dưỡng gội đầu cho dù trời đang vào đợt gió mùa, và rằng bà đã không quên kẻ lông mày và chấm chấm một chút son màu mận rượu.
Bà không sợ tuổi già, chưa bao giờ sợ, khi nhìn thấy sợi tóc bạc đầu tiên năm ba mươi lăm tuổi, bà bình thản cuộn nó rồi bỏ vào sọt rác, không phải vì bà sợ nhìn thẳng vào quá trình lão suy đang khởi động mà bà sợ tóc rơi ra sàn thì bẩn nhà mất. Bà không ghét tuổi già, thứ duy nhất bà ghét là khi già, người ta có thể quên mất tầm quan trọng của việc luôn phải đánh son khi gặp người khác, nhất là một người có vóc dáng và phong cách của Alain Delon.
Dù sao thì cũng phải vài tháng sau đó, họ mới chính thức nói chuyện lần đầu. Đó là đêm giao thừa khi họ là hai người già duy nhất trong viện dưỡng lão không trở về nhà cùng con cái, ông bảo ông có việc cần không gian riêng tư, còn bà thì đơn giản là chưa từng có gia đình. Họ ngồi một mình trong phòng sinh hoạt chung xem tivi như hai pho tượng, không ai nói với ai câu nào, trong khi cô điều dưỡng trực đêm đang ra ngoài gọi điện thoại cho chồng, thì bỗng nhiên tivi nhiễu sóng, anh chàng diễn viên tấu hề đang liến thoắng biến mất và thay vào đó là hình ảnh một cái cổ dài thò lên từ mặt nước, kêu éc éc, nó nhìn thẳng vào hai ông bà rồi hoảng sợ lặn mất tăm. Anh diễn viên hài lại hiện lên. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy năm giây, và vừa khi con quái không còn ở đó, cô điều dưỡng ló đầu vào phòng hỏi: “Hai ông bà mệt chưa, thôi đi ngủ nhé?”
Bà không đi ngủ, tất nhiên. Bà chỉ nằm lên giường mà không ngủ. Con người ta không thể cứ thế đi ngủ khi vừa nhìn thấy một con thú cổ dài như sinh vật tiền sử bỗng xuất hiện trên tivi rồi biến mất như màn ảo thuật trong khi rõ là đang xem một tiểu phẩm hài kịch. Thi thoảng sóng tivi cũng có thể đi lạc, bà hiểu vậy, nhưng trong cuộc đời 80 năm của mình, dẫu sao thì bà cũng chưa từng thấy một kênh truyền hình có thể đi lạc xa đến thế. Và khi đồng hồ điểm một giờ sáng, bà lọ mọ sang gõ cửa phòng ông, nhận ra ông còn đang thức, và đó là khi ông bắt đầu kể cho bà nghe những chuyện kỳ dị trên thế giới này. Ông thường bắt đầu bằng câu:
“Thời còn trẻ, tôi đã từng…”
“Thời còn trẻ” là một cụm từ dễ gây những ấn tượng sai. Để miêu tả về nó, bà sẽ nghĩ về con chim hạc. Con chim hạc mà người ta coi như dấu hiệu của may mắn, nhưng sao nào, nó sau rốt chỉ là một con chim, như mọi con chim trên đời, cũng có bộ cánh lông vũ, cũng có hai chi, cũng có những ống xương đầy khoang rỗng tràn ngập khí, khác chăng là con chim ấy tương đối lớn, và khi bay lên tạo nên một quang cảnh đẹp động lòng người. “Thời còn trẻ”, với bà, cũng chỉ là một quãng đời, một quãng đời cũng đặc biệt đấy nhưng quãng đời nào chẳng có gì đó đặc biệt. Tuổi trẻ không bao giờ quay lại, nhưng tuổi trung niên cũng có quay lại đâu, và cả tuổi già ta cũng sẽ chỉ trải qua một lần duy nhất.
Bà tin rằng mình đã sống hết mình thời tuổi trẻ. Cho dù có được làm lại bà cũng không biết làm gì hơn với nó, bà đã đọc hết tất cả những cuốn sách bà có thể kiếm được vào thời ấy, yêu tất cả những người bà có thể yêu, bà đã tham gia kháng chiến và nếu khi ấy có cơ hội được chết, bà cũng sẵn sàng chết. Ngoài chuyện phải khi đã hơn 70 bà mới tham gia một lớp học nhảy tango cho người cao tuổi ra thì không ai có thể nói rằng tuổi trẻ của bà đã bỏ lỡ điều gì đáng kể, bà đã sống trọn bài thơ tuổi trẻ (người ta hay so như vậy) trong từng dấu phẩy và từng dấu chấm cảm của nó. Có điều bà không thấy đáng phải nhắc lại chừng ấy chuyện, chính vì vậy mà bà trở nên xa cách với những người già ở đây. Ngày nào họ cũng tưởng niệm cái thời khi cột sống họ còn thẳng, các nghệ sĩ họ yêu thích không nhảy chồm chồm hay cười hô hô trên sân khấu, và nói chung thời ấy thật đẹp biết chừng nào.
Nhưng ông không kể về tuổi trẻ của mình theo cách ấy. Phần lớn người ta mơ về tuổi trẻ như ông lão đánh cá Santiago mơ về những con sư tử dạo bước trên bờ biển Phi châu – một hình ảnh thật dũng mãnh mà cũng thật thơ thới, còn ông nhìn tuổi trẻ của ông như nhìn, nhìn cái gì nhỉ, phải rồi, nhìn một cái đĩa-bay. Ông băn khoăn về nó, thực ra nó là thế nào, ông đã làm gì nó và nó đã làm gì ông, ông ngó cái đĩa-bay quá khứ ấy tròng trọc và nó cũng nhìn lại ông không chớp mắt như muốn hỏi: “Thế là mình và đằng ấy còn liên quan gì tới nhau nữa chứ?”
Người ta muốn sống lại tuổi trẻ để tận hưởng thêm một lần những ngọn gió ngọt ngào và mật ngọt thanh xuân, còn ông thì không, ông chỉ muốn ngó lại cái đĩa-bay tuổi trẻ kia vì ông còn chưa kịp định hình được nó thì nó đã biến mất rồi. Tuổi trẻ có tốt đẹp không, ông không rõ, ông chỉ biết tuổi trẻ như một vật thể bay không xác định, một bí ẩn không bao giờ có lời giải đáp.
“Vậy là ông đã nhìn thấy những cái bánh rán bay?”
“Vâng, lần đầu tiên là khi tôi còn ở trong tổ phóng viên thường trú tại Quân đoàn 3 ở Xiêm Riệp. Tôi đã thấy chúng, sau một trận đánh lớn. Chúng dày đặc trên bầu trời. Nhưng kỳ lạ là sau đó khi tôi hỏi mọi người, chẳng ai thấy chúng cả. Chỉ mình tôi thấy chúng mà thôi. Tôi đã nghĩ chắc mình trông gà hoá cuốc, có lẽ sự khốc liệt của súng đạn khiến mình đâm hoang tưởng. Cho đến khi tôi lại nhìn thấy chúng một lần nữa, à không, lần này chỉ có một chiếc, một chiếc rất lớn, khi tôi leo núi cùng một người bạn. Ông ấy cũng thấy nó. Không lầm được. Chắc chắn là đĩa-bay, à không, cái bánh rán bay, như bà gọi. Cuộc đời này thật nhiều điều quái đản. Con thú cổ dài trên tivi ban nãy không phải thứ khó hiểu duy nhất đâu.”
“Cho nên ông đã nghiên cứu về đĩa-bay kể từ đó?”
“Cũng không hẳn là nghiên cứu. Tôi sưu tầm mọi thông tin và tài liệu mà tôi có thể tìm được về chúng mà thôi. Những vụ nổi tiếng như lính Mỹ bắt gặp đĩa-bay trên căn cứ quân sự Nha Trang thì không nói làm gì rồi. Nhưng cũng đã từng có rất nhiều những trường hợp khác. Từ khi nghỉ hưu, tôi đi khắp nơi thu thập lời của các nhân chứng từ Nam ra Bắc. Hàng trăm trường hợp khẳng định đã thấy đĩa-bay. Một vài người chụp được cả ảnh.”
“Nhưng nhỡ họ… bịa chuyện thì sao?”
“Đó cũng là một khả năng, có thể, tôi không biết. Mặc dù có thể đánh hơi được đâu là chuyện thật và đâu là chuyện bịa, nhưng không trừ khả năng có những kẻ bịp siêu hạng, và tôi đã bị lừa. Nhưng tôi chọn tin. Niềm tin. Bà biết nó chứ?”
“Vì sao?”
“Nếu bà đã từng nhìn thấy chúng, bà sẽ hiểu ý tôi. Cái lần đầu tiên tôi gặp chúng, tôi đang nằm sõng soài trên mặt đất, tôi bị thương, tôi nghĩ là mình sẽ không qua khỏi, và xung quanh tôi có những người đã không qua khỏi, và tôi nhìn thấy chúng, sáng lấp lánh, tôi tưởng rằng chúng sẽ đưa tôi đi, nhưng không, chúng chỉ nhìn tôi, như thể chúng là những người ngoài hành tinh rẽ nhầm quỹ đạo và lọt xuống hành tinh này, chúng chẳng hiểu chuyện quái gì đang diễn ra ở đây cả, sao người ta nằm la liệt ra như thế, và vì xấu hổ, chúng bay mất. Dẫu vậy, ánh sáng của chúng, thứ ánh sáng ấy khiến người ta muốn sống.”
Không phải lúc nào họ cũng nói về những chiếc bánh rán bay và chuyện kỳ bí trên thế giới. Cũng có khi họ nói những thứ giản dị hơn, như là vị bánh trung thu mà mỗi người yêu thích, và họ thậm chí đã tranh luận vì điều đó. Vào những lúc như thế, bà bỗng nghĩ không phải chuyện có Chúa hay không có Chúa, Jesus có phải con Chúa hay không mà chính chuyện bánh nhân thập cẩm hay nhân đậu xanh mới là thứ có thể khiến người ta chia rẽ và hục hặc với nhau nhau hơn bất cứ thứ gì.
Bạn hẳn sẽ hỏi rằng bà có yêu ông không, và ngược lại. Thật khó để thừa nhận rằng quả tim từng trải qua cuộc phẫu thuật hẹp động mạch vành của bà còn giữ được chức năng ấy, ở tuổi này. Chỉ tiếp tục đập thôi cũng đã là quá sức của nó, làm sao nó lo nổi thêm chuyện khác? Thế mà có hôm, bà đọc báo và thấy tin tức về một ngọn núi lửa ở Hawaii thức giấc sau 40 năm ngủ yên, và hình ảnh dòng sông mắc ma làm bà nghĩ về trái tim mình.
Nhưng cũng có lúc bà nghĩ đó chưa hẳn, nhất là sau này, khi ông, một ngày trước đêm giao thừa thứ hai của họ, rời khỏi viện dưỡng lão, không một lời nhắn gửi để lại, con gái ông bảo ông đã sang bên kia bán cầu, tận Buenos Aires hay một cái tên nhiều âm bật hơi nào đó, “để làm gì?”, “đoàn tụ với anh trai cháu”, song có điều gì mách bảo bà đây chỉ là lời nói dối, bà nghĩ ông đã lên đường đi tìm những chiếc đĩa-bay của ông, thứ ông tha thiết nhất; hoặc là một khả năng tồi tệ hơn, giả sử điều đó xảy ra, bà cũng không mảy may buồn về việc tên mình sẽ không bao giờ được nhắc tới khi người ta ôn lại cuộc đời ông đã sống, mà biết nhắc với vai trò gì đây, một người bạn già tâm sự chuyện đĩa-bay trong tám tháng ư?, ông chỉ là một kẻ râu ria trong thế giới và phần đời bên bà lại là râu ria của cái râu ria kia. Cũng không có gì chung giữa ông và bà – một căn nhà, một bàn thờ, những đứa con, một cuốn hộ khẩu, một tập album, đến cả một tấm ảnh cũng không. Đó là một mối quan hệ không được chứng thực bởi bất cứ cơ quan nào, một sự kiện bên mép thế giới, và nói như các nhà duy tâm thì cái gì không được quan sát thì không tồn tại. Dù đó là tình yêu hay không phải tình yêu thì nó cũng không tồn tại. Họ không tồn tại.
Một tuần một lần, con gái ông tới chơi, mang theo những chiếc đĩa nhạc cổ điển cho ông và hoa tươi tặng bà. Họ cùng ăn tối với nhau và sau đó mở chiếc đĩa lên nghe. Tập hợp các bản nhạc của John Field chẳng hạn. Thứ âm nhạc của những đêm về sáng, khi con người đã ngủ say và những sinh vật khác tỉnh giấc, tiếng vỗ cánh của lũ ngài, cú chuyền cành sột soạt của những con khỉ mắt to, tiếng ho khe khẽ của bầy cáo, và tiếng thở phập phù của các loài thực vật. Chúng có đang quan sát họ không?
Giả thuyết thịnh hành nhất cho những chiếc đĩa-bay là người ngoài hành tinh.
“Trên những kiến trúc của kim tự tháp cổ đại cũng có hình ảnh của đĩa-bay, nghĩa là nếu có thật, nền văn minh ấy đã theo dõi con người hàng ngàn năm qua”, ông nói.
Ông không thích giả thuyết này lắm. Theo ông, phần khó tin không phải là ở chỗ có người ngoài hành tinh, cái đấy thì cũng có thể tồn tại. Nhưng phần khó tin là người ngoài hành tinh đã theo dõi chúng ta lâu như vậy mà vẫn kiên trì tiếp tục theo dõi sao? Họ không thấy chán à? Chỉ là một quần thể người tụm lại rồi dãn ra, tụm lại rồi dãn ra, thi thoảng tuốt gươm đấu với nhau một trận, thật buồn chán.
“Vậy giả thuyết của ông là gì?”
“Tôi chưa có, cũng mong sẽ không bao giờ có. Dù sự thật là gì thì cũng chẳng thể thú vị như một bí mật được đâu. Bà có nghĩ thế không?”
Ông bảo một truyền thuyết ta rỉ tai nhau nghe, một hiện tượng ta không nắm được quy luật của nó thì hấp dẫn hơn nhiều. Trước khi người ta tính được quỹ đạo của sao chổi, chúng mới thiêng liêng làm sao, người ta đồn chúng mang theo những tai hoạ khôn lường, nhưng sau khi ta biết bản chất thật của chúng rồi thì hỡi ôi, sao chổi cũng chỉ là một đống đất đá vọt qua vọt lại mà thôi, chẳng những chúng không phải kẻ quấy phá mà còn là đứa học trò ngoan của lực hấp dẫn. Thật tầm thường. Hãy để những câu hỏi mãi là câu hỏi.
Con người một mặt muốn mình là giống loài thông minh độc tôn trong vũ trụ, mặt khác, họ khao khát gặp được một loài người khác đâu đó giữa mênh mông thiên hà. Họ gửi đi vô vàn những tín hiệu, nào là nhạc của Beethoven, nào là những công thức hoá học, cả lời chào trong hàng chục ngôn ngữ, rồi những tiếng cười và tiếng bước chân. Con người cũng muốn được ai đó quan sát và thừa nhận rằng mình đã từng ở đây, thống trị bề mặt địa cầu này. Nếu không có người ngoài hành tinh, khi một thiên thạch tiếp theo đâm sầm vào trái đất và gây ra cuộc đại diệt chủng, ai sẽ nhớ về sự tồn tại của chúng ta? Chúng ta sẽ dần vỡ vụn trong cái dằng dặc của vũ trụ mà không ai thấy. Ấy mới là tai hoạ khủng khiếp hơn tất thảy.
Bà chưa bao giờ lo lắng về chuyện này, về chuyện sự tồn tại của mình sẽ mất hút trong một cái máy hút bụi khổng lồ, kể cả khi bà quyết định sống một mình, dù cũng chẳng có tham vọng gì lớn lao đến mức sợ bị cản bước. Đúng hơn, bà không có tham vọng nào cho đến cái ngày ông kể cho bà về những cái bánh rán bay lửng lơ giữa trời. Trong tập sổ ghi lại lời kể các nhân chứng mà ông từng phỏng vấn, bà đọc được một đoạn rằng:
Ngày 20/1/1987, khoảng 3 giờ sáng, khi đang đạp xe trên đường Bưởi, lúc đó mạn này còn chưa có đèn đường và tôi chỉ có ánh trăng trên đầu để soi lối, trên đường cũng chẳng có ai. Hôm ấy tôi ở lại tăng ca làm muộn cho xí nghiệp bánh kẹo để chuẩn bị cho đợt Tết sắp tới, tôi đã mệt nhoài và chỉ muốn đạp xe thật nhanh về nhà đi ngủ. Hai mắt tôi gần như nặng trĩu, lúc nào cũng chợt sụp xuống. Nhà đã rất gần rồi, chỉ còn đạp vài vòng nữa là tới nhà thôi, tôi tự động viên bản thân. Thế rồi, khi chỉ còn chục mét nữa là đến ngõ nhà mình, bỗng nhiên trời sáng trưng, không hẳn là sáng như ban ngày, nhưng rất sáng, sáng như thể trên trời không phải chỉ có một mặt trăng mà phải có mười hai mặt trăng, tôi ngẩng đầu lên và ánh sáng chói chang tới mức tôi phải nheo mắt lại. Không phải có mười hai mặt trăng, mà là có bảy, một mặt trăng là mặt trăng thật, sáu mặt trăng còn lại không phải là mặt trăng. Đó là sáu vật thể gì đó tròn tròn, lửng lơ như những quả bóng bay xong không có dây níu, và chúng cũng to hơn trái bóng bay nhiều, và ánh sáng của chúng không trắng ngà như mặt trăng, mà ánh sáng màu thẫm như những chiếc kẹo lạc mà ban nãy tôi vừa nhào hàng mẻ. Nó đúng là có màu như vậy đấy, màu của những chiếc kẹo lạc. Tôi khựng lại và ngã lăn ra đường. Tôi có sợ không ư? Tôi không nhớ nữa. Tôi chỉ không biết đó là cái gì thôi, nhưng chúng có vẻ vô hại, chúng không giống tàu chiến, chúng chỉ lửng lơ như thế, rồi biến mất. Biến mất bằng cách nào ư? Khó nói quá, chúng không bay đi, không vút lên cao, không, tôi không thấy thế, tự nhiên chúng nhoè dần đi thôi, nhoè đi như khói. Tôi không còn bao giờ thấy cảnh tượng tương tự nữa.
Ngày 20 tháng 1 năm 1987, khoảng 3 giờ sáng. Giờ ấy, bà hẳn là đang chìm sâu trong giấc ngủ, dạo đó bà thường vào giấc mà không gặp khó khăn gì, và bà đã không hề hay rằng những vật thể không xác định kia đang bay ngay phía trên đầu mình, vì nhà bà cũng nằm trên con đường ấy. Bà tự hỏi nếu lúc đó bà chợt tỉnh giữa đêm thì sao, nhà bà nằm trên tầng hai và bà thường mở rèm khi ngủ để sáng hôm sau, ánh nắng ùa vào đánh thức, bà đã ở gần những chiếc bánh rán bay này tới vậy rồi mà vẫn còn bỏ lỡ chúng. Bà chưa từng có cảm giác mình đã bỏ lỡ điều gì trên thế gian, mọi phút giây đều trọn vẹn, bà không nợ nần một phút một khắc sống nào, nhưng giờ thì bà không biết có phải là bà không bỏ lỡ gì, hay bà đã bỏ lỡ mà không hay biết mình bỏ lỡ. Cái không nhìn thấy thì không tồn tại. Bà ước chi bà đã mắc đi vệ sinh, đã khát nước, đã mất ngủ, đã bị lũ chuột sục sạo quấy phá, sao cũng được, miễn đêm ấy bà được nhìn những cái đĩa-bay.
Và sau khi ông bí mật bỏ đi để truy tìm tung tích những chiếc đĩa-bay ấy, bà ước chi đã nói với ông từ trước, rằng khi nào đó ông muốn lên đường, hãy cho bà theo với. Chúng ta cùng trốn khỏi viện dưỡng lão này và đi săn phi thuyền của người ngoài hành tinh nhé, tôi không nói chơi đâu, tôi sẽ chuẩn bị sẵn một túi thuốc thoa khớp, ông biết không, tôi từng đọc một truyện ngắn tiếng Nga về một người nhà sưu tầm bươm bướm, nhưng kỳ thực ông ấy chưa bao giờ bước ra khỏi cái hiệu tạp hoá của mình, ông ấy chỉ tưởng tượng ra các miền đất bằng những cánh bướm khô thu gom được, thế rồi một buổi tối nọ, chẳng nói chẳng rằng, ông thu dọn vali, và trong giấc mơ méo xệch cuối cùng, ông còn mơ về những con bướm Tasmania vân tím, tôi mới nhớ ra truyện ngắn ấy và tôi cũng muốn thu dọn vali. Nhưng bà đã không nói gì cả. Khao khát ấy, ngoài bà, không ai biết. Nó có tồn tại không?
“Có bao giờ ông định trao sổ sách của mình cho một chuyên gia không?”
“Không.”
“Nhưng sau này, ai sẽ lưu giữ chúng?”
“Tôi có tìm hiểu để lưu giữ chúng đâu.”
“Nếu vậy, những gì ông ghi chép và thu thập được sẽ thất tán mất. Không ai còn nhớ được rằng ngày này giờ này nơi này, từng có một đĩa-bay…”
“Như thế là tốt nhất.” Ông bảo rằng người khác nên nhớ chuyện của người khác, còn đây là chuyện của riêng ông.
Khi đồng hồ điểm mười tiếng, người điều dưỡng bước vào phòng bà và hỏi bà có muốn ra phòng khách chơi, đêm nay là đêm giao thừa, lại một giao thừa. Bà đã trải qua nhiều giao thừa ở viện dưỡng lão đến nỗi không thể đếm hết những gương mặt điều dưỡng viên được giao chăm sóc bà. Bà cũng không đếm được số lượng những chai dầu gội đầu bà đã dùng từ ngày đến đây, những bánh xà phòng, những cái bàn chải. Bà đếm trong khoảng 5 năm đầu rồi từ sau không còn đếm tiếp. Và giao thừa hay năm mới với một người phụ nữ ở tuổi bà cũng không khác chi một chiếc bánh xà phòng tiếp theo, khi mới bóc ra khỏi bao bì thì tròn lẳn, nhưng rồi dưới ngọn nước xối xả của thời gian, xà phong mòn đi, bọt khí bay lên bám vào cơ thể, rửa trôi dấu tích đời để lại lên ta. Bà ra hiệu sẽ ở lại phòng mình.
Người điều dưỡng đưa vào phòng bà một giỏ quà, bảo rằng vẫn là cô ấy, bà còn nhớ cô ấy không, năm nay cô ấy lại gửi tặng bà một hộp bánh quy mứt dứa, một hộp cam thảo sấy khô và cả một chai rượu vang, để cô rót cho bà một ly rượu vang nhé, dù sao uống một tí tẹo thôi cũng đâu hề gì, sẽ dễ chợp mắt hơn, và hôm nay là một ngày vui. Năm mới và ngày vui là những từ đồng nghĩa.
Chiếc ly với chỉ chưa đầy một đốt ngón tay rượu được đặt bên đầu giường. Cô điều dưỡng mở cho bà một vài đĩa nhạc cổ điển mà ông để lại từ mười mấy năm trước, và bà nửa nằm nửa ngồi trên giường trong căn phòng màu muối đục, nghe những bản độc tấu dương cầm trên một chiếc đĩa có bìa in tranh vẽ một trang viên châu Âu cùng cỗ xe tứ mã lướt quanh, trong khi ở nơi xa xôi, ông hẳn đang khăn gói nghỉ tại một nhà trọ và đọc lại lời kể của những nhân chứng đĩa-bay, ai đó đã thấy một chiếc đĩa-bay vào 20 năm trước trên biển khi đang đi câu mực, cái đĩa-bay này không giống với bánh rán hay mặt trăng, mà đích thị là một con sứa tầm ma với những xúc tu bằng kim loại sáng bóng, mà cũng có khi chính ông đang chiêm ngưỡng một đàn đĩa-bay chao lượn trên trời trong thời khắc chuyển giao, và so với chúng thì những màn pháo hoa của con người không sao bì kịp.
Bà nhấc trước ly bên đầu giường lên, đã bao lâu bà chưa nhấm nháp thứ ruby đun chảy hay thứ máu Chúa này? Đêm giao thừa năm ấy, cái lần cuối cùng bà rót máu Chúa vào trong mình, người bà bỗng căng phồng lên, và khi nói căng phồng lên, ý bà là bà đã biến đã phình ra như một chiếc khinh khí cầu, hai chân bà bị nhấc bổng, bà cố gắng giữ lấy thanh chắn giường nhưng một cơn gió từ cửa sổ ập vào kéo bà đi, bà khua tay giữ lấy cái rèm nhưng rồi đến cả cái rèm cũng tuột khỏi khung, bà bay vèo ra ngoài cửa sổ, ngọn gió đưa bà đi một vòng, trời lạnh quá mà bà lại quên không mang khăn, bà thấy mình trôi ra biển và trong giây lát bà sợ rằng đến giữa đại dương thì bà sẽ xì hơi và rơi tòm xuống nước, nhưng không, chỉ một lát sau bà đã lại bay tới một hòn đảo và suýt thì mắc kẹt trên một nhánh cây, một con cú đêm tò mò mổ mổ vào người bà, chẳng tìm thấy gì, nó bỏ đi, bà đã quá mệt đến mức muốn gục ngủ, nhưng khi hai con mắt vừa kịp sụp vào thì gió bỗng mạnh lên và bà lại được tạt vào đâu đó, cuộc phiêu lưu này sẽ dài đến tận khi nào đây, mình sẽ bay tới đâu đây, liệu rằng mình có bị thổi vút ra ngoài trái đất hay không, hay là mình sẽ bị một tay thợ săn phi pháp nào đó tưởng là con ngỗng trời và bắn bòm một phát, dù sao thì bà cũng phải ngủ, bà thấy mệt rồi, đôi mắt bà đã nặng và dẫu có bay lên sao Hoả, bà cho rằng việc trước mắt cũng là đánh một giấc thật căng, và chính khi ấy, hình như vậy, bà không nhớ rõ nữa, mà toàn bộ câu chuyện này có khi chỉ là một cơn mơ, bà chỉ nhớ chắc hai khoảnh khắc, khoảnh khắc khi cầm trên tay ly rượu và khoảnh khắc này, khoảnh khắc khi một luồng sáng chói chang chiếu xuống, bà ngẩng đầu, ôi cái lưng của bà, vì sao phồng lên vậy rồi mà lưng còn đau thế, và bà thấy chúng, cái quang cảnh phi thường ấy, như một căn bếp của các thiên thần với những chiếc bánh rán lượn vòng, chúng ở gần đến mức bà có thể với tay ra là chạm vào, nhưng bà đã không làm thế. Nếu chạm vào, ta sẽ biết rằng nó không có thật. Hoặc là có thật. Cũng vậy cả thôi.
Lúc này, bà nhấp một hớp máu Chúa lên môi. Máu Chúa lên men căng mọng và có mùi của hương hoa, hoa gì thì bà không rõ, nhưng chắc chắn là hoa, và có mùi lửa bén. Bà đợi cho mình được bơm căng như một chiếc khinh khí cầu và bay lên, bà đang khép cửa sổ mất rồi nhưng không hề gì, tẹo nữa mình sẽ mở chốt khoá, bà nhìn hai bàn tay, đinh ninh làn da nhăn nheo này sắp sửa căng lên khiến những rãnh sâu biến mất, mình thực lòng cũng không thích trạng thái khinh khí cầu kia lắm, nhưng phiền phức một chút mà được thấy lại những chiếc đĩa-bay cũng đáng lắm chứ.
Có gì đó đang đốt cháy bên trong bà, hẳn là cái động cơ khinh khí cầu đang khởi động, bà bắt đầu thấy cơ thể mình lại phồng lên, đầu tiên là đôi tay, rồi đôi bàn chân, rồi cổ, chiếc bụng, bà thậm chí cảm thấy cả hai lá phổi và buồng gan của mình đang căng lên nữa, đây rồi, hai chân bà nhấc bổng lên mặt đất, bà lại đang bay! Giờ thì bà chỉ cần mở cái cửa sổ và đợi cơn gió của đêm giao thừa thổi vù bà ra khơi, cho bà nhìn ngắm thế giới một lần nữa và biết đâu, có cả những chiếc đĩa-bay ngoạn mục hiện ra trong lúc bà đang dập dờn giữa không trung vô tận. Nhưng trước hết, bà sẽ bay tới cửa sổ để mở chốt khoá cửa đã.
Nghĩ thế, bà gắng hẩy mình về phía khung cửa nằm cách giường mình chỉ năm bước chân, chỉ hẩy một cái là xong, ấy vậy mà khó hơn bà tưởng, bà bay chệch hướng và đâm sầm vào góc phòng. Bà vẫn chưa quen với việc bay theo đúng phương hướng mong muốn, lần trước là cơn gió đã đưa bà đi. Giao phó bản thân cho một thế lực khác thì dễ, nhưng tự bay đi thì không đơn giản thế. Không sao, bà trấn tĩnh bản thân, cứ từ từ từng bước một, không đi đâu mà vội, đêm nay là giao thừa và mọi người còn bận chúc tụng mừng năm mới, sẽ chẳng ai quấy rầy bà đêm nay, bà sẽ có ối thời gian để tìm cách bay ra chỗ cửa sổ. Bà hẩy mình lần nữa, lần này thì bà lại bay vút về phía buồng vệ sinh, tệ thật, nhưng bà sẽ không đầu hàng.
Bây giờ thì trò chơi bắt đầu giống đánh bi-a, và bà cần phải quan sát một chút để lên chiến lược, trước tiên, bà sẽ phải bay về phía tấm gương gần giường bà, chỉ cách đó vài bước chân thôi, bám vào khung gương, rồi bay một lần nữa về phía đông-nam thì mới tới được cửa sổ. Làm một động tác thật nhẹ nhàng, bà hối cơ thể giờ đây đã sưng phồng của mình, bà suýt bay sượt qua tấm gương nhưng vì đã nhắm mục tiêu từ trước, bà dướn hết sức để tay mình giữ lấy gương, tấm gương này bà đã yêu cầu đặc biệt đặt trong phòng mình, để mỗi ngày đều có thể thoa son, bà giữ được nó rồi, bước thứ nhất thành công, chẳng mấy mà bà sẽ bay được trúng đích, bà thở phào nhẹ nhõm, và đúng lúc khi bà chuẩn bị tiến về phía trước, thì bà thấy hình ảnh ấy, phản chiếu trên tấm gương vừa được lau rửa vệ sinh cho năm mới, bà thấy mình, và đồng thời bà cũng không thấy mình. Trong gương đáng ra là bà, nhưng không phải là bà, không phải là bà trong phiên bản khinh khí cầu mà bà hằng tưởng tượng, mà là một hình ảnh khác, một thứ gì đó có màu của những viên kẹo lạc, tròn căng, sáng chói, rất giống mặt trăng, hoặc sứa tầm ma, hoặc bánh rán.
Thảng thốt nhưng không hoang mang, bà nghĩ về việc mà mình phải làm bây giờ, bay tới cửa sổ và đợi gió đón đi. Đó là việc trước mắt, những chuyện khác, bà sẽ để dành sau, đêm nay là đêm giao thừa và vẫn còn cả một năm trước mắt để bà nghĩ về chuyện ấy, còn giờ thì bà phải bay đi đã. Bà sẽ bay đi, sẽ ngao du trên biển, sẽ mắc vào một cành cây và chạm vào một con chim săn đêm, rồi gió sẽ lại thổi bà đi tiếp, đi đến đâu cũng được, quan trọng là đi, và rồi bà cũng sẽ gặp những chúng, có thể nào thực ra ông cũng chẳng đi đâu hết mà chỉ đơn giản là ông uống một hớp rượu rồi căng phồng và bay lên như bà, đúng thế, có thể lần đó bà đã gặp lại ông mà không hề hay biết, thật tiếc, nhưng cũng được, như ông đã nói với bà, dù sự thật là gì thì cũng chẳng thể thú vị như một bí mật được đâu.
Chỉ vừa mở then cửa sổ, bà đã cảm thấy lời hiệu triệu của cơn gió. Trong khi bay ra, bà nghĩ về ông, về những UFO, về những vật thể lạ trên trời – những thứ không xác định.
Bà nhớ ông gọi chúng là đĩa-bay.
Dành cho ông ngoại tôi,
và người bạn tám tháng của ông.
Hiền Trang
Truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 1015 (cuối tháng 6/2023)