Tôi từng đọc được một bài phỏng vấn của Orhan Pamuk, ông bảo rằng nhà văn không phải nghệ sĩ, và vì là một nghệ sĩ thất bại, nên ông mới viết văn. Nhà văn tất nhiên cũng có phần nghệ sĩ, nhưng quan trọng hơn cả phần nghệ sĩ tính, là phẩm chất của một người thợ thủ công chăm chỉ. Cái văn chương cần đúng hơn là kỷ luật.
Vì tin vào điều đó nên 5 năm qua, thứ mà tôi luôn cố gắng duy trì là kỷ luật. Cuốn sách này thực sự là kết quả từ sự kỷ luật tuyệt đối trong việc sắp xếp ngôn từ.
Chopin Biến Mất kể về một vị thám tử đi điều tra vụ thiêu sống của một nữ diễn viên trên sân khấu, để rồi anh nhận ra thế giới nghệ thuật đang trên bờ vực biến mất hoàn toàn, anh phải lên đường để cứu những bài hát anh yêu.
Tôi mất 3 năm để viết cuốn sách này, viết lại hai lần. Chỉ đến khi viết lại lần thứ 3, tôi mới biết cái khiến tôi chưa hài lòng ở những lần trước là gì. Đó là nội dung của cuốn sách này phải chính là hình thức của nó, và ngược lại. Nó phải theo đuổi một thứ hình thức chủ nghĩa, làm dáng chủ nghĩa, điệu đà chủ nghĩa, đại loại vậy. Và để làm được điều đó, tôi phải nỗ lực sao cho từng từ ngữ phải qua một khâu “casting” gắt gao trước khi được đưa lên sân khấu. Tôi được gợi cảm hứng rất nhiều từ những ngày đắm chìm trong các tác phẩm của Nabokov, người thầy tinh thần của tôi khi viết.
Còn một vài thử nghiệm khác khiến tôi mãn nguyện khi hoàn thành Chopin Biến Mất, nhưng sẽ để kể dần dần.
Một điều nữa là về việc mọi người hỏi tại sao lần trước đã có giải Văn Học Tuổi 20 rồi mà lần này vẫn gửi tiếp. Thành thực là vì bản thảo này vốn dĩ định gửi từ lần trước, nên sau khi viết lại, một cách rất tự nhiên, tôi vẫn muốn gửi cho VHT20. Nhỡ có không được giải nữa, thành “bước lùi” thì cũng không sao, vì sự tưởng thưởng của người viết văn đến từ rất nhiều điều, chẳng hạn như khi thấy bản biên tập quá tâm huyết của NXB Trẻ là tôi đã cảm thấy đây là sự tưởng thưởng rất lớn rồi.
Lại xin trích Orhan Pamuk, dù tất nhiên tôi không nổi danh, không nhiều tiền, không viết được đoạn văn nào mỹ mãn hay bất tử như 1/50, 1/100 ông: “Tất nhiên, tôi cũng mừng vì sự nổi danh, tôi thích đi đây đi đó, và thích cả tiền nữa. Nhưng nói một cách nghiêm chỉnh: niềm vui lớn nhất là khi tôi biết chương đoạn vừa hoàn thành rất mỹ mãn. Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi của cảm giác bất tử, chúng qua đi rất nhanh. Nhưng chính vì những giây phút như thế mà đáng làm một nhà văn.”
(mặc dù đoạn sau câu này chắc hợp tôi hơn: “Có điều, còn một vế khác, đó là khi tôi cảm thấy cái mình viết ra quá dở. Điều đó làm ta có cảm giác nặng nề.”Link Tiki xin được cập nhật sau nha, chắc sẽ có độ trễ chút vì sách vừa phát hành sáng nay.
Link mua sách (Sẽ cập nhật thêm): https://www.netabooks.vn/chopin-bien-mat
Thông tin báo chí:
Sài Gòn Giải Phóng: https://www.sggp.org.vn/giai-thuong-van-hoc-tuoi-20-lan-7-ky-vong-tu-nhung-guong-mat-quen-800942.html
An Ninh Thủ Đô: https://www.anninhthudo.vn/chap-canh-cho-nhung-dam-me-van-hoc-tre-post498981.antd
Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/van-hoc-tuoi-20-nhieu-cay-but-tre-sung-suc-sang-tao-20220318235009409.htm
Zing: https://zingnews.vn/nuoi-duong-tinh-yeu-van-chuong-cho-gioi-tre-post1303616.html
Vnexpress: https://vnexpress.net/12-cay-but-vao-chung-khao-van-hoc-tuoi-20-4440751.html