Vận mệnh người lính tốt Švejk : Sự rùng rợn của tiếng cười

Trong vở hài kịch “Ếch” của Aristophanes ra đời khoảng năm 405 TCN, thần Dionysus vì lo lắng cho tình trạng thiếu thốn những nhà bi kịch tài danh ở Athens, đã quyết định xuống cõi âm phủ Hades những mong giải cứu Euripides đưa về trần gian. Sau một vài nhầm lẫn rối như canh hẹ, Dionysus được mời làm giám khảo một cuộc đấu tài giữa Euripides và Aeschylus để xem ai mới được ngồi ở vị trí nhà bi kịch vĩ đại nhất trên bàn tiệc của thần cai quản địa ngục Pluto. Cuộc thi tài ai ngờ đâu lại hóa thành cuộc chế giễu bỉ bôi lẫn nhau giữa hai nhà bi kịch lớn của thời Hy Lạp cổ đại. Và cuộc “võ mồm” ấy hẳn là một trong những thời khắc đầu tiên trong văn chương khi tính nghiêm túc bị hạ bệ (lại còn tự hạ bệ chính nó!).

Vậy là, ngay từ buổi ban sơ, tính hài hước đã không biết sợ ai. Cái gì tưởng càng nghiêm túc càng dễ bị hạ bệ hơn. Còn gì nghiêm túc hơn các vị thần? Nhưng trong “Ếch”, khi Dionysus giả trang thành Hercules, ngài ca cẩm rằng việc cứ mỗi lần nghe mấy chuyện cười của Phrynichus là ngài già đi một tuổi. Nếu thần thánh là đỉnh cao thì hài kịch còn cao hơn thần, không ai thoát được nanh vuốt của nó. Vậy thì không có gì kỳ lạ khi chiến tranh – một chủ đề cực kỳ nghiêm túc – luôn là đề tài bất tận của tiếng cười. Nói như Novalis thì “sau khi thất trận trong một cuộc chiến tranh thì người ta chỉ nên viết hài kịch thôi”.

*

“Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi”, bà giúp việc nói với Švejk, người lính đã giải ngũ những năm trước đây, sau khi bị ban quân y ra tuyên bố kết luận rằng anh là một kẻ ngu độn.[1]

Trên đây là phần mở đầu rất nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới của nhà văn Séc Jaroslav Hašek. Với những người không ngu độn thì Ferdinand là chính là vị thái tử của Đế quốc Áo – Hung, nhưng vì Švejk là người ngu độn nên anh ta liền hỏi bà giúp việc của mình rằng cái ông Ferdinand ấy có phải thằng hầu của ông bán hàng vệ sinh từng uống nhầm lọ dầu gội đầu hay cái thằng Ferdinand chuyên đi hốt phân chó hay không. Một sự kiện sẽ thổi phồng thành Chiến tranh thế giới Thứ Nhất, cực kỳ hệ trọng và khẩn thiết thế, nhưng mới đầu trong mắt Švejk lại bị bẹp rúm lại thành một vụ thương tâm tầm phào ở khu phố nhà mình, và ngay cả khi đã được giải thích hai năm rõ mười đây là ngài Đại Công Tước thì Švejk vẫn ối á và luyên thuyên tán gẫu về nó như đám thứ dân vẫn thường xôm tụ bàn luận rôm rả những xì-căng-đan chính trị cùng chuyện nhân tình thế thái.

Michael Palin, cựu thành viên của Monty Python, gánh hài vẫn được coi là The Beatles trong hài kịch Anh, sau khi nghỉ hưu từng làm chuyến chu du thế giới và khi được hỏi những người nào là người hóm nhất thế giới, ông đáp: “Ngài Dalai Lama hết sức vui tính. Ồ, vâng. Ngài ấy chẳng bao giờ ngưng cười được. Nhưng, trên tư cách một quốc gia thì tôi nghĩ dân Séc rất là hóm đấy.”

Dân Séc hóm thật, các nhà văn của họ có thể rất khác nhau nhưng tựu chung đều ít nhiều vui tính. Jan Neruda hài hước một cách vô thưởng vô phạt và bình dân học vụ. Karel Čapek châm biếm sự suy đồi của xã hội người một cách đầy quái quỷ và giàu trí tưởng tượng. Milan Kundera thì khỏi cần dông dài, không ai tâm huyết với tiếng cười như Kundera, nâng nó lên thành một thứ lý thuyết và là cốt lõi của nghệ thuật tiểu thuyết. Và đừng nói Franz Kafka không buồn cười, bất cứ ai khi đọc đến đoạn anh chàng đạc điền K. trong Lâu đài nằm ngủ ở quán trọ Bên Cầu và cứ một lúc những người giúp việc lại vào lôi đống đồ đạc mà K. nằm đè lên cứ như thể anh ta cũng chả hơn gì cái ga trải giường (mà có thể là thế lắm chứ) hẳn cũng cười rúc rích. Nhưng nói về tiếng cười đặc trưng cho người Séc, chắc khó ai qua được Jaroslav Hašek và anh lính Švejk của ông. Cái sự hài của anh lính Svejk không hề ý nhị tí nào mà nó khiến người ta cười thành tiếng, ôm bụng cười, bò lăn ra mà cười.

Cuộc phiêu lưu của Švejk từ trong đồn cảnh sát đến nhà thương điên, từ bệnh viện đến trên đường, từ lúc đi bán chó cho đến khi làm người hầu của tuyên úy rồi bị sang nhượng cho trung úy Lukáš, đi đến đâu thì tính nực cười cũng diễn ra một cách đồng đẳng với nơi trước đó. Đồn cảnh sát cũng là sân khấu hài kịch hệt như nhà thương điên cho Švejk “diễn trò”.

Ở đây, Jaroslav Hašek đã xây dựng được một thứ có thể gọi là “lịch sử của tiểu thuyết” (một cụm từ lấy của Kundera) – một cú trả treo, một cú phản pháo đối với lịch sử chính thống. Trong phiên bản lịch sử bợm nghịch và bát nháo này, Švejk trở thành một nhà tiên tri về chiến tranh nhờ mấy suy luận nhăng cuội của mình và biến phiên bản lịch sử chính thống của những đầu não chính trị chẳng qua chỉ là một trò chơi ngờ nghệch mà ngay một thằng đần cũng có thể bắt bài; quân đội kỷ cương thì trở thành một cái ổ ai cũng tránh như tránh tà, còn những kẻ không tránh nó thì đều hủ lậu và bị sự ngu dốt của Švejk “dắt mũi”.  Nói cách khác, lịch sử của Švejk phủ định hoàn toàn tính nghiêm túc, cứng đơ, đã đắp thành khuôn của chính sử. Tính bông lơn này chỉ có thể tìm thấy ở những người thiểu số, thiếu số ở đây không phải số ít, mà là bộ phận nhân loại không được cán cân quyền lực nghiêng về, những người mà việc truyền bá câu chuyện lịch sử chính thống không nâng đỡ gì cho cuộc đời của họ.

Phân đoạn Švejk phải bộ hành tới mặt trận Budějovice nhưng thay vì đi thẳng một mạch thì lại đi ngược một vòng vì đằng nào mọi con đường đều dẫn tới Budějovice, sự chùng chình thong dong một cách rất hồn nhiên của anh (mà hoàn toàn không phải vì lười biếng hay trốn tránh, anh ta vẫn khăng khăng mình phải đến được Budějovice) khiến cho cuộc chiến tranh mất đi sức nặng. Tính nghiêm túc của chiến tranh bị loại bỏ hoàn toàn ở thời điểm đó, không phải vì nó vô nghĩa hay không cần thiết phải xảy ra, mà vì nó là một trạng thái kiểu gì cũng xảy ra nên muộn chút cũng chẳng hề gì.

*

Sự hài hước là tài sản lớn nhất của Švejk nhưng cũng là vũ khí lớn nhất chống lại sự diễn giải về anh. Vì anh quá buồn cười, nên anh chỉ có thể buồn cười. Cơn cười quặn thắt mà Jaroslav Hašek cù lét vào người đọc khiến ta quên mất thật ra mình đang cười vì cái gì. Có một mẩu chuyện tếu về người Séc thế này: Tại sao người Séc cười ba lần sau khi nghe một câu chuyện tếu? Trả lời: Vì họ cười một lần lúc nghe truyện, một lần lúc nghe giải thích, và một lần lúc họ hiểu ra.

Vậy có khi nào cơn cười khùng khục trong lần đọc đầu tiên chỉ là khúc dạo đầu, và vẫn còn những siêu tiếng cười nằm bên dưới đó?

Giờ thì chúng ta phải thừa nhận rằng, Švejk luôn thoát hết kiếp nạn này tới kiếp nạn khác không phải nhờ trí khôn dân gian của anh ta, mà nhờ sự ngu độn. Nhưng chính điều đó khiến ta tự hỏi, vậy thì anh ta có ngu độn thật hay không? Khi bị bắt làm tù binh, người hạ sĩ trông coi Švejk bảo anh có thể phóng uế ra ngoài cửa sổ, nhưng Švejk bảo theo quy định thì tù nhân không được tới gần cửa sổ, rồi nhắc thêm rằng đối với tù binh thì cái gì cũng phải đem đến tận nơi vì tù binh thì đâu được tự lo mọi chuyện! Švejk đảo lộn bản chất của tất cả mọi việc bằng cách tin tưởng sâu sắc vào bản chất đó, anh ta đi vào sơ hở của những định nghĩa và luật lệ, và như một con chuột lách vào những khe hẹp để gặm mòn cả cái thế giới này. Anh ta không vượt ra khỏi quy chuẩn tí nào, anh ta chỉ làm đúng y như thế, như khi trung úy Lukáš giao cho Švejk việc hầu hạ mọi nguyện vọng của cô tình nhân, và cô ta dụ Švejk lên giường với mình, Švejk liền tuân theo rồi tự hào báo cáo rằng anh đã phục vụ cô ta hết sức chu đáo! Sự tuân thủ nghiêm ngặt của Švejk với những “đạo lý” mà không vặn vẹo gì khiến cho thế giới quanh anh ta lộ ra sự lố bịch kỳ lạ, vâng, không phải Švejk lố bịch mà là thế giới lố bịch.

Có một sự đối lập rõ ràng giữa Švejk và Josef K. của Franz Kafka, dù họ cùng rơi vào một mê cung của hệ thống quyền lực lắt léo và không thể nào hiểu được. Trong khi Josef K. một mực chống trả (hay theo lời của nhà tiểu sử Frederick Karl thì Kafkaesque là khi bạn bước vào một thế giới siêu thực mà mọi thứ trong tầm kiểm soát của bạn, mọi kế hoạch của bạn, toàn bộ cách mà bạn thiết lập lối hành xử của mình, đều bắt đầu tan rã. Điều bạn làm là vật lộn với nó bằng mọi công cụ của mình, bằng mọi thứ bạn có. Nhưng dĩ nhiên bạn không có cơ hội nào trước nó.) Thế giới Švejkism ngược lại hoàn toàn. Švejk không thèm chống trả hay vượt thoát làm gì, anh thích nghi một cách hoàn hảo với hoàn cảnh dù trái khoáy đến đâu, và rõ ràng là nhờ đó anh đã vượt qua tất cả mọi  bài thử thách một cách trót lọt. Sự phản tư của Josef K. khiến anh thất bại, trong khi Švejk “vô tri” thì khá thành công.

Khi bị hỏi “Anh có phải người ngu độn không?”, Švejk đáp dõng dạc là có.  Sự biết chắc mình ngu cho phép anh ta nhiều lần trở thành “bình vôi” vô hại. Thú vị ở chỗ người đọc không ai có cảm giác Švejk là nạn nhân của cha tuyên úy suy đồi, của chế độ chính trị suy vong, của quân đội suy kiệt, anh ta bị trói buộc nhưng anh ta lại có vẻ tự do tung tẩy và vô chính phủ hơn bất cứ ai, anh ta không cần sự đoái thương, xót xa, căm phẫn thay cho mình, anh ta đã hào hứng thế cơ mà. Ai đó có thể trở thành một nạn nhân khi anh ta tươi tỉnh đón nhận những thứ như thế không? Anh ta là tù nhân hay không phải tù nhân – nếu là tù nhân, tại sao anh ta luôn biết cách len lách qua những “chấn song” để làm người khác tức phát điên, nếu không là tù nhân, tại sao anh ta lại phải răm rắp theo sự sắp đặt của người khác? Švejk cheo leo giữa ngu ngốc và khôn lanh, giữa điên rồ và minh mẫn, giữa tự do và giam cầm, giữa phản nghịch và trung thành, giữa vô hại và nguy hiểm.

Ta luôn có cảm tưởng thế giới của Josef K. rất ngột ngạt và không lối ra, nhưng thế giới của Švejk cũng rất hắc ám và rùng rợn. Josef K. “chỉ”  bị một cái án treo lơ lửng trên đầu, nhưng Švejk còn bị đưa đến bệnh viện để chịu tra tấn bằng cách rửa ruột, thụt xà phòng, bọc trong ga giường thấm nước, và trong thế giới của Švejk có cả kẻ sẵn sàng cắn đứt tay mình để mà khỏi đi chiến đấu. Nhưng ta vẫn cười vì điều đó trước khi hiểu ra điều đó. Đến khi hiểu ra rồi, ta sẽ cười vì ta đã cười.  Khiếu “hài đen” tương tự cũng có thể tìm thấy trong bộ phim The firemen’s ball (một trong những tác phẩm vĩ đại của điện ảnh Séc) của đạo diễn Miloš Forman, kể về một vũ hội mở ra với mục đích tặng cho ông thủ trưởng của cục phòng cháy chữa cháy một món quà trước khi ông từ giã cõi đời, nhưng cuối cùng thì vũ hội gián đoạn vì có một vụ hỏa hoạn xảy ra. Câu chuyện mới đầu khiến ta phì cười nhưng càng về sau càng khiến ta thấy nhức nhối vì mình lại cười ở những phân cảnh ấy.

Không phải chiến tranh, không phải những vị thần, không phải cái chết, không phải tai họa là những thứ rùng rợn nhất. Chính tiếng cười sau rốt mới là điều rùng rợn hơn cả.

Một số học giả nuối tiếc vì Švejk chưa bao giờ trở thành một đề tài được diễn giải kỹ lưỡng như Josef K. Nhưng có thật cần thiết không? Một khi cuốn sách này biến thành một bản mật ngữ của triết học hiện sinh hay triết học phi lý hay giải cấu trúc hay bất kể học thuyết nào, e rằng người ta sẽ quên mất phải cười vì nó. Nhìn Josef K. mà xem, Kafka có thể đã cười ngã ngửa đoạn anh ta bị bắt mà chả biết mình mắc tội gì, nhưng ngày nay còn bao nhiêu người cười vì chi tiết ấy? Họ đều nghĩ đó là một bi kịch kinh hoàng. Và, theo cái cách Kundera từng nói sẽ rất đáng buồn nếu có ngày Panurge không còn khiến người ta cười nữa, sẽ rất đáng buồn nếu có ngày Švejk khiến ta thôi không cười nữa.  Hãy để Švejk là một anh ngốc mua vui như anh ta vẫn là, rồi một lúc nào đó trong đời, ta sẽ nhận ra mình cũng đã “mắc lỡm” như trung úy Lukáš.

*

Hai mươi năm sau khi tập đầu tiên của Vận mệnh người lính tốt Švejk  trong đại chiến thế giới ra đời, nhà soạn kịch Bertolt Brecht đã tạo nên một vở kịch phái sinh, ẩy Švejk  vào bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai, và ở màn khép lại, một cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra giữa anh lính đần độn Švejk  và trùm phát xít Adolf Hitler lúc này đã hoàn toàn thất trận. Hitler không thể đi đâu nữa, bốn phương tám hướng nếu không bị Hồng quân vây hãm thì cũng toàn xác chết người. Hitler chỉ đứng đó, đối mặt với Švejk , người lúc này hát lên một câu rằng anh ta không biết nên bắn chết Hitler hay nên bĩnh vào đầu Quốc trưởng. Có lẽ Adolf Hitler cuối cùng đã gặp được đối thủ xứng tầm của mình. Nói cho cùng tiếng cười là thứ rùng rợn hơn tất thảy.

Hiền Trang

[bài viết đã đăng trên tạp chí Tia Sáng]


[1] Tất cả các trích dẫn trong tiểu thuyết đều theo bản dịch của dịch giả Bình Slavická, do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *