Get Back: “Chuyện tào lao” của The Beatles

7 giờ 48 phút. Đó dường như là một thời lượng quá dài cho một bộ phim tài liệu âm nhạc. Nhưng có một giới hạn nào cho khát khao được tái tạo chi tiết cuộc đời của The Beatles? Sử gia Mark Lewisohn thậm chí còn từng viết một cuốn biên niên về từng ngày làm việc của ban nhạc từ thời hát trong những club ẩm ướt ở Liverpool đến khi tan rã. Vậy thì, sự ra đời của The Beatles: Get Back, phim tài liệu dài gần 8 tiếng của đạo diễn Peter Jackson về 22 ngày trong đời họ cũng không có gì là lạ.

Sau khi đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật phòng thu trong Revolver hay Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band, The Beatles quyết định rằng họ sẽ làm một album ghi âm trực tiếp trước khán giả, không thủ thuật, không kỹ xảo. Khoảng thời gian tập luyện và chuẩn bị cho buổi hòa nhạc trên mái nhà, hơn 50 năm trước, từng được chính ban nhạc biên tập lại thành bộ phim Let it be mô tả hồi kết cay đắng của mình. Từ Let it be, tất cả những giai thoại về thái độ hống hách của Paul, niềm uất ức của George, nỗi chán chường của Ringo và vẻ thờ ơ, mải vui duyên mới của John đã được khắc ghi trong tâm trí người hâm mộ.

Nhưng từ cùng một kho thước phim gốc với Let it be, 7 giờ 48 phút mà Peter Jackson lựa chọn đưa lên màn ảnh lại hé lộ một lịch sử khác của The Beatles: dù vẫn có những bất hòa, nhưng trên hết, họ không thể che giấu nổi sự ăn ý khi ở bên nhau, cảm hứng mà họ truyền cho nhau, và phản ứng hóa học tưng bừng mỗi khi cùng chơi nhạc.

Ringo chán chường ư? Đúng là anh đã ngồi ngáp ruồi khi nhìn Paul sáng tác Get Back trong lúc đợi John tới trễ, nhưng cũng chính anh đã cùng Paul nghịch ngợm trên cây đàn piano, đánh một bản nhạc do họ cùng sáng tác. George uất ức ư? Đúng là có lúc George đã hờn dỗi bỏ về, nhưng anh đã trở lại, và ta sẽ được xem cảnh George tâm sự chuyện đã 6 tháng qua anh không đặt được lời cho giai điệu Something, rồi được John và Paul khuyên nhủ cứ hát đại đi. Vậy là, trước khi có câu hát kinh điển “Điều gì đó trong cách nàng chuyển động quyến rũ tôi không giống bất cứ người tình nào”, thì nó là “Điều gì đó trong cách nàng chuyển động quyến rũ tôi như ngài trước ánh nến”, rồi “quyến rũ tôi như cây xúp lơ”, “quyến rũ tôi như trái lựu”!

Điều quý giá nhất ở The Beatles: Get Back nằm ở đây. Nó là một bộ phim vén màn cách thức sáng tạo của nhưng thiên tài. Sự dàn trải, cố tình không có điểm nhấn của cả tác phẩm khiến cho ai kiên trì sẽ được tưởng thưởng bằng việc được “xuyên không” về đúng căn phòng thu ấy, trải qua từng giờ cùng ban nhạc, theo dõi cách họ lấy ra những giai điệu và ca từ từ vạn vật xung quanh, mài giũa chúng từ thô mộc thành ngọc quý.

Phim tài liệu âm nhạc thường có xu hướng quy các sáng tác nổi tiếng về những phút mặc khải thần thánh, những giấc mơ tới từ hư không. Nhưng bộ phim này thì khác. Trong một đoạn, khi John hát một bài của Elvis Presley thì Paul đệm ngẫu hứng bằng cách hát theo một bài báo lá cải với lời lẽ thống thiết về tin đồn tan rã của họ. Đến cả một chuyện vô thưởng vô phạt như Paul ăn bánh cupcake cũng ngay lập tức được John biến ngẫu vào lời bài hát. Ai tin nổi họ đã chán ngấy nhau.

Thay vì cố gắng mô hình hóa cuộc đời The Beatles thành một vở kịch như nhiều tiểu sử, trong đó có kẻ phá hoại, có nạn nhân, có những lỗi lầm, thì trong bộ phim này, cuộc đời chỉ là cuộc đời, với tất cả những giây phút vui tươi hay bực bội vô hại, những chuyện phiếm vô mục đích. Ta có thể tua đến một đoạn bất kỳ, xem ban nhạc đặt đồ ăn trưa, xem họ hát một bài dở tệ dựa trên bài báo George có nguy cơ… xộ khám, xem Ringo thừa nhận anh vừa xì hơi – và ai bảo những khoảnh khắc vặt vãnh đó lại kém quan trọng hơn những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như khi họ đứng trên mái nhà, lần cuối hát cho khán giả?

Nếu nói âm nhạc của The Beatles đại diện cho cuộc đời, thì phần lớn cuộc đời là thế đó, không thăng hoa cũng không chạm đáy, chỉ là cộng gộp của những chuyện nhỏ nhặt, tào lao, không đáng kể. Hay như John nói ở một phút nào đó trong phim: “Dù nó là thế nào thì nó cũng sẽ là thế thôi.”

[Bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ]

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *