Ngày Jorge Luis Borge đến Mexico, người ta đưa đại văn hào đến gặp tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ, như một sự trọng đãi cao nhất. Nhưng sau này kể lại ấn tượng của mình với tổng thống, ông chỉ bảo nếu đó là tổng thống thì ông không dám tưởng tượng ra chính phủ nữa! Borge không đến Mexico để gặp ngài Luis Echeverría, rõ là như thế, ông đến để làm một việc khác, ông bảo những người mời ông tới đây rằng ông muốn “xin một ân huệ”. Ân huệ gì? Ông muốn đi thăm kim tự tháp của người Teotihuacan hay thử một ly Michelada? Không, ông chỉ muốn gặp nhà văn Juan Rulfo.
Người ta gợi ý tổ chức một bữa ăn sáng để Borge gặp Rulfo. Borge bảo không: “Tôi xin các ngài. Tôi thích hoàng hôn hơn. Những buổi bình minh đả bại tôi. Tôi không còn đâu sinh lực hay sự mạnh mẽ để mang cho nó những điều nó xứng. Buổi chạng vạng hôm nay thích hợp với tôi hơn. Tôi chỉ muốn trò chuyện với anh bạn Rulfo của tôi mà thôi.”
Người viết bài này đã từng giới thiệu Juan Rulfo cũng trên Tia Sáng trong một bài viết về cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo, cuốn sách mà Gabriel García Marquez đã nói không có nó thì không có Trăm Năm Cô Đơn. Nhưng Marquez là hậu bối của Rulfo, còn Borge thì hơn Rulfo gần hai mươi tuổi. Khi Juan Rulfo bắt đầu viết tập truyện dầu tiên, Borge đã lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Vậy mà, trong khi Rulfo khiêm tốn gọi Borge là “thầy” và tuyên bố “Có đủ các Juan, nhưng Jorge Luis chỉ có thể là Borge”, thì ngược lại, Borge nói: “Tôi sẽ chia sẻ với cậu một bí mật. Nội tôi, một vị tướng, nói tên ông không phải là Borges, mà tên thật ông là khác cơ, một bí mật. Ngờ rằng tên ông chính là Pedro Páramo. Và tôi chính là phần tái bản của những gì cậu đã viết về những người ở Comala.”
Còn lời tán tụng nào hơn thế nữa? Rằng tôi chỉ là bản sao, còn cậu và văn chương của cậu là tổ tiên, là nguyên thủy. Được một đàn em nổi tiếng thần tượng, chuyện ấy âu cũng thường, nhưng khiến cho cả một bậc lão thành cũng phải ngả mũ, đó mới là xưa nay hiếm.
*
Có những nhà văn lớn mà tác phẩm đầu tay chỉ là một bản tập dượt cho kiệt tác – như Gabriel García Marquez chẳng hạn; nhưng có những nhà văn lớn mà tác phẩm đầu tay đã là kiệt tác – và Juan Rulfo chính là người như thế. Mặc dầu ta có thể nhìn thấy ở tập truyện ngắn đầu của Rulfo, El Llano en llamas (Bình địa trong lửa, theo bản dịch của Ha Cheem phát hành bởi Phanbook), tiền thân của những kỹ thuật đan lát cầu kỳ và lắt léo sẽ thăng hoa trong Pedro Páramo, nhưng không có nghĩa nó chỉ dừng lại ở một bản nháp ngây thơ. Ngược lại, sự kiệm ngôn của cuốn sách khi mô tả miền đất Mexico nóng ran mưng mủ cho thấy có một cuộc chiến khác, không phải giữa những phiến quân hay loạn đảng, mà giữa những từ ngữ với nhau. Từng từ ngữ buộc phải giao tranh để được xuất hiện trên trang giấy cuối cùng của Rulfo.
Lớn lên trong hai cuộc binh biến lớn của Mexico những năm 1910-1920 giữa quân chính phủ và những phe phái nổi dậy, Juan Rulfo kể mười bảy câu chuyện mà từng câu chuyện đều bám chặt vào hiện thực. Nhưng cái hiện thực của ông đã đi xa hơn rất nhiều so với cái hiện thực châu Âu của Hugo hay Balzac. Cũng là đói, nhưng một người đói của Juan Rulfo sẽ không bán tóc bán răng như Fantine hay bị các con đuổi đến một nhà trọ như lão Goriot, mà sẽ ngồi bên cái hố đợi những con cóc nhảy ra.
Đúng vậy, niềm vui thích khi đọc Bình địa trong lửa không chỉ dừng lại ở niềm vui thích được đọc những câu chuyện được kể điêu luyện, mà còn là niềm vui thích khi được quan trắc thời đại sơ kỳ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, khi mà chủ nghĩa hiện thực thuần túy vụn vỡ như đất khô, mất hình dạng và bắt đầu bị nung chảy trong một lò luyện của lịch sử, tội ác, và giấc mơ để kiến tạo những hình thù mới. Đây, vào giờ khắc ấy, chưa có một nàng Remedios biết bay, nhưng dường như con người đã bắt đầu nhú lên đôi cánh, và ngọn núi lửa với dòng macma của giấc mơ huyền ảo đang sôi lên dưới lòng sâu sắp được đánh thức chuẩn bị cho những đợt phun trào.
Giấc mơ huyền ảo – thứ hoạt chất ayahuasca ấy đã được “vị pháp sư shaman” Juan Rulfo rắc một lượng nho nhỏ nhưng đủ để gây ảo giác và quấy đều lên trong suốt toàn bộ tập truyện, khiến cho những nhân vật dù đối mặt hay thuật lại những hoạt cảnh rùng rợn nhất cũng vẫn như đang lững thững bước đi trong một màn sương lâng lâng. Đó là một kẻ chăn cừu lang bạt đã cho một kẻ sát nhân ăn bánh tortilla, bởi “tôi chỉ là thằng chăn cừu và tôi không biết điều gì khác”. Đó là một kẻ vắt vẻo trên lưng ngựa, tay trái say sưa cầm cây sáo thổi còn tay phải giữ chặt xác người cha mà y đã giết. Đó là một đoàn lính băng qua bình địa trống rỗng như lặn xuống nước sâu, một cảnh tượng đẹp tuyệt vời bất chấp trước mặt và sau lưng đều là máu lửa giao tranh.
Trong những hiện thực ảo giác ấy, các nhân vật của Juan Rulfo chạy trốn khỏi cái chết, thậm chí van xin đừng bị giết, nhưng dường như cái chết chỉ là phần kéo dài của một cuộc đời vốn đã là của những bóng ma, và địa ngục chỉ là phần kéo dài của một vùng đất vốn đã là địa ngục. Như, trong truyện ngắn Ngươi không nghe thấy lũ chó sủa, một người cha cõng đứa con trai dưới ánh trăng đến một ngôi làng, và khi đến nơi, tiếng chó sủa rộ lên khắp xung quanh – một cảnh tượng u minh cơ hồ họ là những vị khách không mời bị đàn chó ngao địa ngục chặn đường bước xuống. Hay trong Ngày của sự sụp đổ, người ta nhớ về một cái ngày nào đó khi cơn động đất ập tới, và một vị thống đốc xuất hiện như để bòn rút tất cả những gì còn chưa bị cơn động đất bòn rút, một vụ bạo động nho nhỏ diễn ra rồi kết thúc chóng vánh, người ta lại tiếp tục uống rượu pân và tán gẫu về cái ngày động đất mơ hồ như một giấc mơ, như thể ngay cả động đất, cả cuộc loạn đả cũng không thể rung chuyển được đời sống đã chết lâm sàng của họ. Còn trong truyện ngắn đậm đặc ảo giác nhất, “giấc mơ huyền ảo” mang tên Luvina, môt vị khách viễn phương lắng nghe người ta kể một miền đất nơi “nỗi buồn làm tổ”, nơi nỗi buồn là một loại chướng khí “dính bết vào ta” và con người đã trơ ra như gỗ.
Đến đây, xin được tiếp tục với cuộc chuyện vãn giữa Juan Rulfo và Jorge Luis Borge, khi Borge hỏi Rulfo dạo này thế nào, một câu hỏi rất đơn thuần nhưng Rulfo đã đáp lại trên tư cách một nhà văn: “Tôi ư? Chết dần chết mòn ngoài kia.” “Vậy là cậu dạo này không tồi đâu”, Borge đáp, “Tưởng tượng mà xem, Juan, chúng ta sẽ bất hạnh làm sao nếu như chúng ta bất tử.” Rulfo gật gù: “Vâng, đúng thế. Khi ấy ta là xác chết đi loanh quanh mà vẫn giả vờ đang sống.”
Vinh quang thuộc về kẻ chết. Còn cõi sống, có xá gì cõi sống?
*
Chúng ta biết rằng, cuốn Bình địa trong lửa của Juan Rulfo được thảo năm 1953. Hai năm sau là Pedro Páramo. Cuối thập niên 50, Jorge Luis Borges mù hẳn. Suy ra, những tác phẩm của Rulfo có thể nằm trong số những tác phẩm cuối cùng mà Borges cầm lên và đọc một cách đích thực. Với một người sống để đọc như Borges, cái kết ấy của cuộc đời đọc sách hẳn cũng không đến nỗi nào. Thậm chí, là một sự ủi an rất lớn.