“Tất cả mọi thần linh đều đã chết: giờ đây chúng ta muốn cho Siêu nhân được sống! Câu nói trên một ngày kia, vào buổi đại ngọ thiên, phải là ý chí tối thượng của chúng ta!”. Zarathustra đã nói như thế”, Friedrich Nietzche đã viết đoạn văn nổi tiếng ấy vào đâu đó giữa năm 1883-1885. Khoảng hơn 60 năm sau, nhà văn người Mỹ Flannery O’Connor sáng tác tiểu thuyết đầu tay Dòng máu khôn ngoan, về thời đại hậu chiến khi Thượng Đế, vị thần linh duy nhất dường như đã chết, hoặc nếu không, đã mất tích ở đâu đó chưa tìm được đường quay trở lại, nhưng đáng tiếc, không có Siêu nhân nào lộ diện, chỉ có những kẻ tiến hóa ngược thành vượn, những kẻ hư vô chủ nghĩa phát điên, những nhà tiên tri bịp bợm, một xác ướp người lùn tỏa ra hào quang của Chúa, và vô vàn những sinh linh cóc cáy không ai cứu rỗi.
Trở về sau chiến tranh, Hazel Motes từ một chàng trai trẻ mơ ước trở thành linh mục và cuốn sách duy nhất đọc là Kinh Thánh giờ đây đã đui mù trước Thiên Chúa. Chuyện về những cựu binh, ta đều đã đọc chán chê. Họ là thế hệ lạc lối, như Gertrude Stein đã bất mãn nói với Ernest Hemingway, họ mang một nỗi buồn chiến tranh âm ỉ không sao tinh lọc được, như những cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ sầu thảm của Erich Maria Remarque. Khi người anh hùng Odysseus trầy trật từ thành Troy trở về cố hương, trên đường lưu lạc, chàng đã nghe nữ thần Circe nói với mình: “Ngài sẽ phải đánh trận trong tim đến thiên thu ư? Cái công việc chiến đấu đẫm máu ấy? Người địch thủ xưa, ngài sẽ không nhượng bộ trước những vị thần bất tử? Cơn ác mộng ấy không thể chết, nó là vĩnh viễn. Tự nó đầy tai họa – nỗi ghê rơn, và nỗi đau, và sự hỗn loạn.”
Họ chẳng lẽ còn có thể thảm hại hay sứt sẹo hay bầm giập hơn nữa ư? Thêm một đức tin nguy khốn thì sao chứ?
Flannery O’Connor thường được liên tưởng tới Franz Kafka, dù Kafka có lẽ không phải cái tên đầu tiên sẽ bật ra trong đầu ta khi đọc các sáng tác của bà. Sự mất giá của Chúa (Ngài có khi phải cạnh tranh với một chiếc máy nạo khoai tây!) và cú trượt ngã vào đầm lầy chủ nghĩa vô thần là những chủ đề lớn của người Nga, như Dostoevsky trong văn chương, hay cuối thế kỷ 20 là Andrei Tarkovsky trong điện ảnh. Nhưng tại sao lại là Kafka mà không phải một ai đó khác? Có lẽ là bởi, giống như Kafka, Flannery O’Connor là một nhà thấu thị. Cả Kafka và O’Connor đều có một con mắt thứ ba ngoại cảm cho phép họ nhìn thấy bóng ma của những kinh hoàng vô hình, độc địa, rùng rợn và lẩn khuất mà không ai khác nhìn thấy. Những bóng ma đó, bất cứ lúc nào cũng có thể nhập vào ám muội ta, xâm chiếm ta, và nguy hiểm hơn, không tồn tại một cách trừ tà khả dĩ.
Hazel Motes lập ra một Giáo Phái Không Có Chúa Jesus, phủ nhận mọi bí tích và sự cứu chuộc, tội lỗi và phán xét. Nếu như Kirillov trong Lũ người quỷ ám tự tìm đến cái chết để khuất phục nỗi sợ và sự khả tử, qua đó giải phóng con người khỏi “nhu cầu phải phát minh ra Chúa”, thì Hazel Motes cuối cùng đã dùng vôi tôi bôi lên mắt đến mù lòa rồi tan biến dần trong đường hầm hun hút vê bên kia thế giới. “Mù lòa” là một trạng thái biểu tượng trong Kinh Thánh. Chúa đã làm thánh Paul mù mắt trong ba ngày, rồi thánh Paul lại được ngài chữa khỏi. Trong tất cả những chứng bệnh, mù lòa là chứng bệnh được Jesus chữa lành nhiều hơn hết. Lão ăn mày mù Bartimaeus đã kêu gào thất thanh khi biết có Chúa Jesus ghé đến, vì ông ta biết Chúa sẽ đem ánh sáng tới cho đôi mắt của mình. “Một trong những dấu hiệu Đấng Messiah sẽ làm là Ngài sẽ mở mắt kẻ mù ra” (Esau 35:4-6; Matthew 11:5). Flannery O’Connor đã có một đoạn văn tuyệt hay ở cuối tiểu thuyết này, về cái chết trong cảnh mù lòa của Hazel Motes: “Đường nét của một cái hộp sọ hiện lên rất rõ nét bên dưới lớp da của anh và hai hốc mắt sâu hoắm bị bỏng nặng có vẻ như dẫn vào cái đường hầm tăm tối nơi anh biến mất. (…) Mụ ngồi đó nhìn chằm vài đôi mắt anh, hai mắt mụ nhắm tịt lại, và cảm thấy một cái gì đó mà mụ không tài nào bắt đầu được, và mụ nhìn thấy anh di chuyển mỗi lúc một xa hơn, mỗi lúc một xa hơn vào cõi tăm tối cho đến khi anh chỉ còn là cái chấm sáng.” Một đoạn văn bộc lộ toàn bộ văn tài của nữ tác giả khi đã đào một lỗ thông thăm thẳm giữa ánh sáng và bóng đêm, giữa sống và chết, và bà làm được điều mà xưa nay có lẽ chỉ Dante hay Bosch mới làm được, đó là chỉ cho ta đường vào địa ngục, mà bà chỉ cần một câu để làm nên điều đó.
Trong Dòng máu khôn ngoan, có một kẻ giả làm mù đôi mắt của mình và một kẻ thực sự làm mù đôi mắt của mình. Kẻ thứ nhất là một tên cuồng Chúa mạo nhân. Kẻ thứ hai là Hazel Motes người phản Chúa. Lão già Hawks vờ đục mù mắt mình để khiến người ta nghĩ rằng lão đã được thanh tẩy. Nhưng tại sao Hazel Motes lại làm điều đó, tại sao anh lại làm điều mà đáng ra chỉ một kẻ cuồng Chúa mới làm? Có phải rằng anh muốn chứng minh Chúa không tồn tại, bởi ngài sẽ không bao giờ đến, không bao giờ đặt đôi tay thần thánh của Ngài lên để chữa hai cái hốc dị hình trên gương mặt của anh, và đó là cách anh phủ quyết cho Jesus được hiện diện? Dường như cái gì càng khác nhau thì lại càng giống nhau. Sự cuồng tín và sự vô thần đi hết con đường lại đâm sầm vào cùng một ngõ cụt. Bản thân câu hỏi có-hay-không-có-Chúa đã cho thấy ta không thể thoát khỏi Ngài, kể cả sự bác bỏ Ngài cũng hàm ý rằng Ngài đang tồn tại như một khái niệm trong trí óc, ngay cả sự giả dạng Ngài cũng hàm ý rằng có một phiên bản thật ở đâu đó ngoài kia, và không phải sự có mặt tự thân của Ngài mà ta cần đến Jesus, ta cần đến Jesus vì cần một tranh luận đạo đức hay thần học. Như Hazel Motes, anh cần được cảm thấy có thể tự do lựa chọn chí ít là một điều gì đó trong đời mình, bởi tất cả những điều còn lại, chiến tranh, ngôi nhà bỏ hoang, cảnh mồ côi, những chấn thương tâm lý, sự rồ dại của những kẻ ngoài kia, anh không được lựa chọn.
Chúa, trong cuốn tiểu thuyết này, được nhắc đi nhắc lại. Ngài trở thành một từ cửa miệng, Ngài đã co quắp lại trong một từ ngữ (mà từ ngữ thì chết), Ngài là một vai diễn đắt hàng mà tất cả đều tranh nhau đóng, một vai diễn nếu thành công có thể đổi đời. Mỗi kẻ đều thấy cho mình một Đức Chúa giả mạo: một kẻ mạo nhận cuồng Chúa bịa ra một vị Chúa ảo tưởng, một tên xảo trá thuê người đóng nhà tiên tri diễn thuyết về một vị Chúa xảo trá của riêng y, và rồi là Hazel Motes, kẻ báng bố Chúa xét cho cùng cũng đang tự biến mình thành một Jesus kiểu mới, nhưng vai diễn dữ dội hơn tất cả, là khi một bảo vệ vươn thú tâm thần thấy Chúa trong cái xác ướp người lùn, và vị Chúa ấy hẳn đã mặc khải cho y và để y tiến hóa ngược, trở thành một con gorilla hoang dã.
Metamorphosis, hóa thân, là một chủ đề rất Kafka. Một sáng nọ, tỉnh dậy sau những giấc mơ xáo trộn, Gregor Samsa thấy mình đã hóa thành một con côn trùng khổng lồ. Gregor Samsa là một ca tiến hóa ngược nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử văn chương. Nhưng, sự tiến hóa ngược của Samsa đến đột ngột không lí do, sự tiến hóa ngược của Enoch Emery cũng đến đột ngột song đã có điềm báo trước. Kafka kể câu chuyện hậu hóa thân, còn Flanery O’Connor kể tiền truyện của nó. Kafka hé lộ cho ta sự bất định và khó lường của hiện thực, và khiến ta hãi sợ với viễn tưởng về một sáng nọ ta tỉnh dậy và thấy mình không còn là mình nữa, với Flannery O’Connor thì ta lại hãi sợ vì sự thoái hóa có vẻ như là sự sa ngã đã được định đoạt trước của con người. Và với Gregor Samsa, việc biến thành một con côn trùng là đánh dấu bước ngoặt xuống dốc không phanh của anh, nhưng với Enoch Emery thì chưa chắc. “Dòng máu khôn ngoan”, tựa đề truyện, là dòng máu mà Enoch Emery tin đang chảy trong người hắn, một kẻ tinh khôn sẽ không làm người, hắn biến thành một con linh trưởng, vì đây là cái kết khải hoàn không thể tốt đẹp hơn, và biết đâu nơi Nước Chúa của một vị Thượng Đế Gorilla sẽ có chỗ dành cho hắn.
“Chúa thân yêu, con không thể yêu Ngài theo cách con muốn. Người là ánh trăng lưỡi liềm mỏng manh mà con trông thấy và con thì là cái bóng của trái đất, thứ đã khiến con không thể thấy mặt trăng. Trăng lưỡi liềm thật đẹp và có lẽ đó là tất cả những gì một kẻ như con nên và có thể thấy; nhưng con sợ rằng, Chúa thân yêu, rằng cái bóng tự ngã của con sẽ lớn đến mức nó chắn lấy mặt trăng, và con sẽ chỉ tự phán xét mình bởi cái bóng vốn không là gì cả”, Flannery O’Connor, một người Công giáo sùng đạo và cả đời mình suy tư về Chúa, từng viết trong một lá thư gửi tới Ngài.
Hazel Motes có thật sự không tin vào Chúa không? Những kẻ nói rằng Chúa đã chết có thật sự tin rằng Chúa đã chết không? Con người có thể không tin vào Chúa đến mức nào? Hay sự ngờ vực chỉ là phản ứng phụ của một đức tin tuyệt đối? Trong một tác phẩm của nhà văn Machado De Assis, Satan đã hồ hởi cướp đi những tín đồ của Chúa bằng cách cho họ tha hồ sa đọa, để rồi chỉ thấy cuối cùng, những kẻ đồi bại ấy vẫn không thể không bị hút về phía Chúa.
“Không ai có thể là một kẻ vô thần mà không biết tất cả mọi thứ. Chỉ Chúa là một kẻ vô thần. Còn ác quỷ là tín đồ lớn nhất, và y có những lí do của mình.”, vẫn trong thư tới Chúa thân yêu, Flannery O’Connor viết.
[Bài viết đã đăng trên tạp chí Tia Sáng]